Cần thiết quy định thanh toán không dùng tiền mặt cho giao dịch vàng |
PV: Từ ngày 1/7/2022, hóa đơn điện tử đã được triển khai trên toàn quốc đối với các doanh nghiệp và hộ kinh doanh theo quy định. Tuy nhiên, có hiện tượng nhiều cửa hàng kinh doanh mặt hàng này lại khuyến khích thanh toán bằng tiền mặt và có ưu đãi nếu không lấy hóa đơn. Bà có bình luận gì về tình trạng này?
TS. Đào Lê Trang Anh: Theo tôi, việc thanh toán mua vàng bằng tiền mặt có thể xuất phát từ thói quen dùng tiền mặt và mong muốn được giảm giá khi thanh toán tiền mặt của người dân. Tuy nhiên, điều này cũng có thể gây ra một số bất cập, ảnh hưởng đến việc áp dụng hóa đơn điện tử và cạnh tranh không lành mạnh trong thị trường. Cụ thể là các vấn đề sau:
Thứ nhất là tình trạng thiếu minh bạch về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Do vàng có thể được mua từ các nguồn trôi nổi không rõ xuất xứ, hoặc thậm chí buôn lậu, nên thanh toán bằng tiền mặt sẽ giúp cơ sở kinh doanh tránh được các vấn đề như kê khai nguồn gốc, nộp thuế…
Thứ hai là việc áp dụng chính sách giảm giá chỉ cho thanh toán bằng tiền mặt có thể dẫn đến việc các giao dịch không được ghi chép đầy đủ trên hóa đơn điện tử, góp phần tạo ra một môi trường kinh doanh không công bằng.
Thứ ba là nguy cơ vi phạm luật thuế: Chính sách giảm giá chỉ dành cho thanh toán bằng tiền mặt có thể gây ra nguy cơ vi phạm các quy định thuế của Nhà nước. Các giao dịch không được ghi chép đúng trên hóa đơn điện tử có thể dẫn đến việc trốn thuế và gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước.
PV: Nhằm minh bạch hoạt động kinh doanh vàng, Tổng cục Thuế kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, trình cấp thẩm quyền quy định bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt đối với các giao dịch kinh doanh vàng, đồng thời quy định cơ chế kiểm soát các giao dịch này. Quan điểm của bà thế nào về kiến nghị này?
TS. Đào Lê Trang Anh: Tôi hoàn toàn đồng tình với kiến nghị của Tổng cục Thuế về việc bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt đối với các giao dịch kinh doanh vàng do các lợi ích tích cực, cụ thể:
Lợi ích rõ ràng nhất là làm tăng tính minh bạch trong các giao dịch và chống trốn thuế. Khi buộc các giao dịch kinh doanh vàng phải sử dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, thông tin về các giao dịch sẽ được ghi chép chính xác trên hóa đơn điện tử, từ đó tăng cường minh bạch và giảm nguy cơ trốn thuế của các cơ sở kinh doanh, thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường vàng.
Hai là hạn chế rủi ro gian lận và tội phạm tài chính trong giao dịch. Cụ thể, việc sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt sẽ tạo ra một môi trường kinh doanh hiện đại và minh bạch hơn, có thể giảm nguy cơ mất mát và phòng tránh tội phạm tài chính.
Ba là ổn định thị trường, giảm thiểu tình trạng buôn lậu vàng. Việc kiểm soát các giao dịch kinh doanh vàng thông qua thanh toán không dùng tiền mặt có thể giúp tăng cường an ninh và ổn định thị trường bằng cách giảm nguy cơ giao dịch không hợp lệ và tiêu cực, đồng thời hạn chế việc mua bán vàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Bốn là hỗ trợ Tổng cục Thuế và Ngân hàng Nhà nước trong việc thống kê chính xác lượng giao dịch cũng như lượng vàng của các doanh nghiệp, tính toán được nhu cầu vàng trong dân. Hiện nay các thống kê này vẫn chưa được cập nhật đầy đủ do các giao dịch tiền mặt có thể không được tính.
Cuối cùng là định hình văn hóa thanh toán mới. Việc bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt đối với các giao dịch kinh doanh vàng có thể định hình một văn hóa thanh toán mới trong lĩnh vực kinh doanh vàng, khuyến khích sự tiện lợi và an toàn của các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
PV: Theo bà, ngoài giải pháp trên, cơ quan quản lý cần làm gì để minh bạch hoá hoạt động kinh doanh vàng?
TS. Đào Lê Trang Anh: Theo tôi, ngoài việc áp dụng giải pháp bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt trong các giao dịch kinh doanh vàng, các cơ quan quản lý cần áp dụng đồng bộ một số biện pháp khác để tăng cường minh bạch hoạt động kinh doanh vàng. Biện pháp đầu tiên có thể kể đến là thành lập một cổng thông tin trực tuyến để kết nối các doanh nghiệp kinh doanh vàng, Ngân hàng Nhà nước và Tổng cục Thuế, nhằm thu thập thông tin về số lượng giao dịch liên quan đến vàng miếng.
Thanh toán bằng tiền mặt tạo ra nhiều hệ lụy
“Việc thanh toán mua vàng bằng tiền mặt (đặc biệt là khi đi cùng với các chính sách giảm giá của doanh nghiệp) có thể tạo ra những hệ lụy không mong muốn đối với hệ thống thuế và sự công bằng trong môi trường kinh doanh vàng tại Việt Nam” – TS. Đào Lê Trang Anh. |
Ngoài ra, các cơ quan có thẩm quyền cần tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát với thị trường vàng nhằm nâng cao hiệu quả của các biện pháp quản lý hoạt động xuất nhập khẩu vàng, đặc biệt là cần phát hiện và ngăn chặn hiện tượng nhập lậu vàng. Theo kinh nghiệm của Thái Lan, bên cạnh sự tham gia của Ngân hàng Nhà nước, việc quản lý thị trường vàng cần có sự hợp tác của các bộ ngành liên quan.
Một biện pháp nữa nhằm tăng tính minh bạch của thị trường vàng là khuyến khích sử dụng công nghệ thông tin và hệ thống quản lý thông tin hiện đại trong hoạt động kinh doanh vàng, từ việc quản lý hóa đơn điện tử đến việc theo dõi nguồn gốc sản phẩm.
PV: Xin cảm ơn bà!