Phó tổng thư ký VCCI Đậu Anh Tuấn: “2023 là năm doanh nghiệp bi quan nhất về thị trường”

(ĐTCK) Theo dữ liệu PCI 2023, chỉ 27% doanh nghiệp cho biết sẽ mở rộng sản xuất kinh doanh năm 2024 và 2025, giảm mạnh so với mức 35% của năm 2022 và thấp hơn mức đáy của năm 2012-2013 khi có khủng hoảng tài chính, Phó tổng thư ký VCCI nói rằng 2023 là năm doanh nghiệp bi quan nhất về thị trường.

Doanh nghiệp vẫn còn rất khó khăn

TS. Đậu Anh Tuấn, Phó tổng Thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Giám đốc Dự án Sáng kiến Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) phát biểu như vậy tại Lễ công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và PGI năm 2023 diễn ra sáng nay (9/5).

Theo ông Tuấn, trong 19 năm đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, PCI đã trở thành “hàn thử biểu”, công cụ để doanh nghiệp gửi gắm nỗi niềm của mình, giúp chuyển tải tới chính quyền địa phương những vấn đề doanh nghiệp gặp phải trong môi trường đầu tư kinh doanh.

Kết quả điều tra PCI 2023 đã “cảm nhận” được 2023 là năm khó khăn vất vả của Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp thông qua phản hồi của của 10.676 doanh nghiệp tham gia khảo sát tại 63 tỉnh thành, trong đó có 9.127 doanh nghiệp tư nhân trong nước và 1.549 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FIE) đang hoạt động tại Việt Nam.

Theo Báo cáo PCI 2023, có 5 vấn đề khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp gặp phải bao gồm: tiếp cận vốn (57,1%), tìm kiếm khách hàng (49%), biến động thị trường (34,5%), khó khăn từ tác động của dịch bệnh Covid-19 (25,5%) và tìm kiếm đối tác kinh doanh (17,1%).

Trong đó, 57,1% gặp khó khăn trong tiếp cận tín dụng là con số cao nhất từ trước đến nay trong khảo sát doanh nghiệp thường niên của VCCI. Phân loại theo lĩnh vực sản xuất kinh doanh thì 60% doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng đang gặp khó khăn trong tiếp cận tín dụng, cao nhất trong các nhóm; kế đến là các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, với con số 58%.

Khó khăn của doanh nghiệp trong tiếp cận tín dụng năm 2023 (Nguồn: PCI 2023)
Khó khăn của doanh nghiệp trong tiếp cận tín dụng năm 2023 (Nguồn: PCI 2023)

Theo khu vực thì có 61% doanh nghiệp ở khu vực Đông Nam Bộ và 59% doanh nghiệp ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long gặp khó khăn về tiếp cận tín dụng.

Còn xét theo định hướng thị trường, 57% doanh nghiệp định hướng thị trường nội địa và 52% doanh nghiệp định hướng xuất khẩu gặp khó khăn trong tiếp cận tín dụng.

Bên cạnh tiếp cận tín dụng, tìm kiếm khách hàng vẫn là khó khăn thường trực của nhiều doanh nghiệp với 49% trong khảo sát 2023 và đứng thứ hai trong số 14 khó khăn cụ thể của doanh nghiệp.

Dù vậy, tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn về tìm kiếm khách hàng đã giảm dần từ năm 2021, cho thấy các doanh nghiệp đang thích nghi với các khó khăn và chủ động xoay sở tìm kiếm khách hàng. Kết quả này cũng có thể đến từ việc các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp của chính quyền đa dạng hóa khách hàng, thị trường đang phát huy tác dụng.

Khó khăn lớn tiếp theo mà các doanh nghiệp phản ánh trong khảo sát 2023 là biến động thị trường, với 34,5% doanh nghiệp lựa chọn. Con số này đã tăng tới 10,7 điểm phần trăm so với kết quả khảo sát năm 2022 (23,8%). Đây là khó khăn có sự gia tăng tỷ lệ doanh nghiệp lựa chọn cao nhất so với năm 2022.

Mặc dù đã giảm mạnh từ con số 67,4% năm 2021 và 34,1% năm 2022, dịch Covid-19 vẫn đứng thứ tư về mức độ khó khăn mà doanh nghiệp phản ánh trong khảo sát 2023 (chiếm 25,5%). Điều này cho thấy không ít doanh nghiệp Việt Nam vẫn chịu tác động tiêu cực của đại dịch này.

Lễ công bố PCI và PGI 2023 được tổ chức tại Nhà hát lớn Hà Nội sáng 9/5
Lễ công bố PCI và PGI 2023 được tổ chức tại Nhà hát lớn Hà Nội sáng 9/5

Với con số lựa chọn 14,5% và chỉ cao thứ 6 trong số các khó khăn được phản ánh của năm 2023, nhưng biến động chính sách, pháp luật lại là khó khăn cần phải lưu ý. Đầu tiên, con số khảo sát của năm 2023 đã tăng so với năm 2022 (9,5%), làm gián đoạn xu hướng giảm của chỉ tiêu này trong các năm 2018-2022.

“Việc chỉ tiêu này đã tăng khoảng 5,1 điểm phần trăm so với năm trước đó đã ghi nhận mức tăng lớn thứ 2 trong số các nội dung khảo sát trong năm 2023. Dấu hiệu này có thể là hệ quả của những biến động chính sách trong điều hành thị trường xăng dầu, điện, trái phiếu trong năm vừa qua”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Mức độ lạc quan suy giảm

Đáng lưu ý, ông Đậu Anh Tuấn cho biết, khi được hỏi về kế hoạch mở rộng quy mô kinh doanh trong hai năm tới, mức độ lạc quan của doanh nghiệp ở mức thấp so với những năm trước.

“Cụ thể, chỉ 27% doanh nghiệp cho biết sẽ mở rộng sản xuất kinh doanh trong hai năm tiếp theo, giảm đáng kể từ con số 35% của năm 2022. Con số 27% này cũng thấp hơn cả mức đáy trước đây là năm 2012-2013 khi nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt với tác động kép của khủng hoảng tài chính toàn cầu và những bất ổn kinh tế vĩ mô trong nước”, ông Đậu Anh Tuấn chia sẻ.

Dữ liệu khảo sát còn cho thấy tỷ lệ doanh nghiệp dự kiến giảm quy mô kinh doanh hoặc đóng cửa doanh nghiệp trong khảo sát 2023 lên tới 16,2%. Con số này cao hơn đáng kể so với mức 10,7% được ghi nhận trong khảo sát năm 2022 và gần bằng mức cao kỷ lục 16,6% của khảo sát 2021 khi Việt Nam còn nằm trong tâm dịch Covid-19.

Kết quả khảo sát PCI 2023 cho thấy, doanh nghiệp vẫn hết sức khó khăn và bi quan, tính năng động tiên phong dám nghĩ dám làm của các tỉnh, thành đang chững lại.

TS. Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký VCCI

Cùng với đó, các doanh nghiệp quy mô càng nhỏ thì mức độ lạc quan càng suy giảm. Trong khi đó, các doanh nghiệp phía Bắc lại có sự lạc quan hơn các doanh nghiệp phía Nam.

Dù có sự suy giảm vào năm 2023, song nhiệt kế doanh nghiệp tư nhân cũng có những điểm sáng theo đặc điểm doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn có mức độ lạc quan tương đối cao.

Cụ thể, 38,2% doanh nghiệp quy mô từ 50-200 tỷ đồng dự kiến mở rộng sản xuất kinh doanh trong hai năm tới; 39,5% doanh nghiệp có quy mô từ 200 tỷ đồng trở lên có dự định tương tự.

Xét theo lĩnh vực, doanh nghiệp trong một số ngành tỏ ra khá lạc quan. Ba ngành có tỷ lệ doanh nghiệp dự kiến mở rộng sản xuất kinh doanh cao nhất là sản xuất thiết bị điện (50%), sản xuất hóa chất (42,2%) và sản xuất cao su, nhựa (35,7%).

Từ các phân tích trên, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, hơn lúc nào hết, 2024 là năm phải đưa ra những hỗ trợ đồng hành để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp.

Điểm mới của PCI năm 2023 là chỉ công bố xếp hạng của 30 tỉnh thành phố đứng đầu còn nhóm 33 tỉnh thành đứng sau chỉ có báo cáo thành phần chi tiết chứ không có xếp hạng. “Chúng tôi phần nào đó muốn chia sẻ khó khăn, giảm áp lực cho các tỉnh thành có kết quả nằm ngoài top 30 của PCI”, ông Tuấn nói.

Trong Top 30 của PCI 2023, Quảng Ninh tiếp tục dẫn đầu (năm thứ 7 liên tiếp), trong khi Long An vươn lên thứ 2 còn Hà Nội tụt xuống vị trí 28.
Trong Top 30 của PCI 2023, Quảng Ninh tiếp tục dẫn đầu (năm thứ 7 liên tiếp), trong khi Long An vươn lên thứ 2 còn Hà Nội tụt xuống vị trí 28.

Trao đổi với báo chí bên lề sự kiện, ông Đậu Anh Tuấn nhận định, dữ liệu PCI năm 2023 cho thấy rõ xu hướng cải cách môi trường kinh doanh ở các tỉnh thành Việt Nam. Đó là tỉnh trung vị (tỉnh nằm giữa kết quả PCI) tăng, đạt 66,66 điểm năm 2023, tăng gần 1,44 điểm so với năm 2022. Điều này cho thấy chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh tiếp tục xu hướng cải thiện theo thời gian.

Ông Đậu Anh Tuấn trao đổi với báo chí bên lề sự kiện
Ông Đậu Anh Tuấn trao đổi với báo chí bên lề sự kiện

Đáng lưu ý, tỉnh thấp nhất về kết quả PCI của 63 tỉnh thành phố năm 2023 lần đầu tiên sau 19 năm vượt điểm số 60/100. “Rõ ràng tốc độ cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam đang thay đổi rất tích cực và diễn ra ở tất cả các tỉnh, thành phố của Việt Nam”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Trong khi đó, các tỉnh nhóm cuối đang vươn lên mạnh mẽ nhờ tận dụng tốt “lợi thế của người đi sau. Ngược lại, những địa phương đứng đầu những năm gần đây điểm số đang có xu hướng chững lại, điểm số giảm. Như Quảng Ninh – lần thứ 7 đứng đầu trong bảng xếp hạng nhưng so với chính mình lại giảm 1,7 điểm so với năm 2022.

TIN BÀI LIÊN QUAN

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *