Tính chung trong 4 tháng đầu năm, chỉ số VN-Index đã tăng xấp xỉ 80 điểm, tương ứng tăng hơn 7%, kết thúc tại mốc điểm. Trong đó, riêng quý I/2024, chỉ số này đã tăng tới 13,6%, cao nhất kể từ tháng 9/2022 và là một trong những chỉ số tăng tốt nhất khu vực châu Á, sau đó đảo chiều giảm hơn 74 điểm, tương ứng giảm 5,8% trong tháng 4.
Bên cạnh đó, thanh khoản thị trường cũng sôi động khi dần quen với các phiên khớp lệnh hơn 20.000 tỷ đồng, thậm chí xuất hiện nhiều phiên vượt mức 30.000 tỷ đồng. Điểm sáng là tháng 3 với mức thanh khoản duy trì đà tăng trưởng mạnh và đạt mức cao nhất trong 2 năm.
Đặc biệt là phiên giao dịch bùng nổ ngày 18/3 đã ghi nhận mức thanh khoản cao nhất trong hơn 3 năm và là một trong số ít phiên giao dịch thị trường đạt con số trên 40.000 tỷ đồng. Đồng thời, theo thống kê của Báo Đầu tư Chứng khoán thì mức thanh khoản này đã trở lại thời hoàng kim cuối năm 2021 khi VN-Index leo đỉnh 1.500 điểm.
Trái với diễn biến khởi sắc của thị trường chung, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục xu hướng rút ròng trên thị trường chứng khoán Việt trong 4 tháng qua.
Cụ thể, khối ngoại đã bán ròng 388,3 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị bán ròng đạt 16.584 tỷ đồng, đạt gần 50% về khối lượng và hơn 70% về giá trị bán ròng trong cả năm 2023. Trong năm 2023, khối này đã bán ròng hơn 848 triệu đơn vị, giá trị bán ròng gần 23.443 tỷ đồng.
Trong đó, riêng tháng 3, khối ngoại bán ròng tới 10.955 tỷ đồng. Đà bán ròng mạnh này đã được nhà đầu tư trong nước hấp thụ tốt, được minh chứng qua con số thanh khoản thị trường đầy ấn tượng, nhờ đó chỉ số chung của thị trường vẫn duy trì được đà tăng điểm.
Tháng | Khối lượng (triệu đơn vị) | Giá trị (tỷ đồng) | ||||
Mua | Bán | Mua-Bán | Mua | Bán | Mua-Bán | |
1 | 1.196,9 | 1.082,5 | 114,4 | 31.083 | 29.931 | 1.151 |
2 | 1.206,7 | 1.241,7 | -35,0 | 31.797 | 33.252 | -1.455 |
3 | 1.742,2 | 2.038,0 | -295,8 | 53.523 | 64.478 | -10.955 |
4 | 1.630,7 | 1.802,7 | -171,9 | 46.838 | 52.164 | -5.326 |
Tổng | 5.776,5 | 6.164,8 | -388,3 | 163.241 | 179.826 | -16.584 |
Soi danh mục khối ngoại 4 tháng qua, chứng chỉ quỹ FUEVFVND là tâm điểm xả bán với khối lượng bán ròng lên tới gần 190 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị bán ròng gần 5.455 tỷ đồng.
Một chứng chỉ quỹ khác là FUESSVFL cũng chịu áp lực bán từ nhà đầu tư ngoại, với giá trị bán ròng đạt hơn 1.158 tỷ đồng.
Ngoài ra, nhiều mã lớn cũng thuộc top dẫn đầu với giá trị bán ròng lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Điển hình như VNM, khối ngoại đã bán ròng tới hơn 4.198 tỷ đồng và MSN bị bán ròng gần 3.453 tỷ đồng.
Trái lại, cổ phiếu MWG là tâm điểm mua vào của khối ngoại, với giá trị mua ròng đạt 1.371 tỷ đồng, tương đương khối lượng mua ròng đạt 25 triệu đơn vị.
Tiếp theo đó là cặp đôi cổ phiếu trên UPCoM là BHI và AIC với giao dịch đều được thực hiện theo phương thức thỏa thuận. Trong đó, khối ngoại cùng mua ròng trên dưới 75 triệu cổ phiếu BHI và AIC, tương đương giá trị mua ròng lần lượt đạt 1.628 tỷ đồng và gần 1.263 tỷ đồng.
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu