Tổng Bí thư Trần Phú – Người chiến sĩ cộng sản kiên cường, bất khuất

Trong lịch hình thành, xây dựng phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam đã để lại những dấu ấn không thể phai nhòa. Hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, nhưng đồng chí đã sống một cuộc đời rực rỡ, để lại tấm gương bản lĩnh, trí tuệ, bất khuất, kiên trung và niềm tin sắt đá, không gì lay chuyển vào thắng lợi cuối cùng của Cách mạng, đã cổ vũ bao thế hệ trong cuộc đấu tranh bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam.

Tổng Bí thư Trần Phú. Nguồn: dangcongsan.org.vn

Hành trình hun đúc người chiến sĩ cộng sản kiên cường, bất khuất

Đồng chí Trần Phú sinh ngày 1/5/1904, trong một gia đình nhà nho yêu nước tại xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, nguyên quán tại xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh – các vùng đất giàu truyền thống văn hóa, cách mạng. Thân sinh của đồng chí là cụ Trần Văn Phổ và cụ Hoàng Thị Cát.

Tổng Bí thư Trần Phú mồ côi cha mẹ từ nhỏ (hơn 4 tuổi mồ côi cha, 6 tuổi mồ côi mẹ). Truyền thống lịch sử, văn hóa, tinh thần cách mạng của quê hương và gia đình đã sớm hình thành, nuôi dưỡng trong tâm hồn của người thanh niên yêu nước Trần Phú. Cùng với những gì mắt thấy, tai nghe về những nỗi thống khổ, bất công của nhân dân lao động dưới ách áp bức, bóc lột của chính quyền thực dân, phong kiến, Ông đã dồn hết tâm trí cho học tập, nuôi dưỡng ý chí và tinh thần học hỏi, khát vọng vươn lên tìm đường cứu nước.

Trong thời gian học tập tại Trường Quốc học Huế, Ông đã kết thân với nhiều bạn bè, đồng hương, có cùng chí hướng lập ra nhóm “Thanh niên tu tiến hội”, cùng nhau đọc sách, trao đổi, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, được cổ vũ bởi tấm gương cựu học sinh Quốc học Huế Nguyễn Tất Thành (khi đó được biết đến với tên gọi Nguyễn Ái Quốc) với những hoạt động cách mạng đầy tiếng vang ở nước ngoài.

Sau khi tốt nghiệp trường Quốc học Huế, với mục đích đào tạo lớp người có chí hướng, làm lợi cho dân, cho nước, Trần Phú chọn nghề dạy học tại Trường Tiểu học Cao Xuân Dục (TP Vinh, Nghệ An). Với tất cả nhiệt huyết của mình, đồng chí Trần Phú đã truyền đạt cho học sinh lòng yêu nước, niềm tự hào về truyền thống đấu tranh anh dũng, bất khuất của quê hương và dân tộc. Trong thời gian này, đồng chí đã tham gia các hoạt động, phong trào đấu tranh sôi nổi thời bấy giờ như đòi thực dân Pháp trả lại tự do cho nhà yêu nước Phan Bội Châu, tổ chức lễ truy điệu Phan Chu Trinh, mở lớp dạy chữ quốc ngữ.

Bước ngoặt trong cuộc đời cách mạng của đồng chí Trần Phú là vào cuối năm 1926, đồng chí được cử sang Quảng Châu (Trung Quốc) bắt liên lạc với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Tại đây, đồng chí đã gặp Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và tham gia lớp huấn luyện cán bộ do Người trực tiếp giảng dạy. Những bài giảng của Nguyễn Ái Quốc tại khóa huấn luyện đã trang bị cho đồng chí Trần Phú những kiến thức cơ bản về cách mạng vô sản, về lý luận của chủ nghĩa Mác-Lê nin để từ một thanh niên có tư tưởng cách mạng yêu nước, đồng chí đã chuyển sang lập trường Cách mạng Vô sản. Kết thúc khóa học, tháng 10/1926, đồng chí Trần Phú được kết nạp vào Thanh niên Cộng sản Đoàn, được Tổng bộ Thanh niên phân công về Trung Kỳ xây dựng và phát triển cơ sở Hội.

Đầu tháng 1/1927, đồng chí Trần Phú trở lại Quảng Châu. Tại đây, đồng chí được Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tin tưởng, cử sang Liên Xô học tại Trường Đại học Phương Đông. Sau khi tốt nghiệp Đại học Phương Đông, đồng chí nhận Chỉ thị của Quốc tế Cộng sản, bí mật lên tàu đi Lêningrát (nay là Xanh Pêtécbua) bắt đầu hành trình về nước hoạt động.

Kết tinh trí tuệ trong Bản Luận cương chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam

Tháng 2/1930, đồng chí Trần Phú về đến Sài Gòn. Ít ngày sau đồng chí sang Hồng Kông và gặp được Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và được Người giới thiệu về tham gia hoạt động trong Ban Chấp ủy lâm thời (Ban Chấp hành Trung ương lâm thời).

Tháng 4/1930, đồng chí Trần Phú về đến Hải Phòng và 3 tháng sau được bổ sung vào Ban Chấp ủy lâm thời, được giao nhiệm vụ dự thảo Luận cương chính trị của Đảng. Từ những chỉ thị và tài liệu của Quốc tế Cộng sản, quá trình đi khảo sát tình hình các địa phương Bắc Bộ cùng việc trao đổi, thống nhất với các đồng chí trong Ban Chấp ủy lâm thời, tại số nhà 90 phố Thợ Nhuộm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, đồng chí Trần Phú đã hoàn thành Dự thảo Luận cương chính trị của Đảng, phản ánh trung thành quan điểm và đường lối tả khuynh của Quốc tế Cộng sản.

Tháng 10/1930, tại Hương Cảng, Trung Quốc, Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thông qua Luận cương chính trị do đồng chí Trần Phú dự thảo. Hội nghị cũng đã quyết định đổi tên Đảng Cộng sản Việt Nam thành Đảng Cộng sản Đông Dương. Cũng tại Hội nghị này, đồng chí Trần Phú được bầu làm Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Luận cương chính trị tháng 10/1930 của Đảng là sản phẩm trí tuệ của tập thể Ban Chấp hành Trung ương nhưng in đậm dấu ấn cá nhân đồng chí Trần Phú trong vai trò người trực tiếp soạn thảo.

Luận cương được hoàn thiện trên cơ sở nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lê nin, đặc biệt là Luận cương về phong trào cách mạng ở các nước thuộc địa và nửa thuộc địa của Đại hội VI Quốc tế Cộng sản năm 1928 và các văn kiện trong Hội nghị thành lập Đảng do Nguyễn Ái Quốc chủ trì năm 1930; được tổng kết thực tiễn nhiều vùng công nghiệp, nông nghiệp miền Bắc; nghiên cứu tình hình công nhân, nông dân và phong trào quần chúng ở một số địa phương như Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng, Hòn Gai…

Nội dung chủ yếu của Luận cương chính trị trình bày những vấn đề chiến lược, sách lược của Cách mạng Việt Nam, gồm 3 phần lớn: tình hình thế giới và Cách mạng Đông Dương; đặc điểm về tình hình ở Đông Dương; tính chất và nhiệm vụ Cách mạng Đông Dương.

Trên cơ sở phân tích tình hình thế giới và trong nước, đặc điểm xã hội và mâu thuẫn giai cấp ở Đông Dương, Luận cương chính trị nêu rõ tính chất của Cách mạng Đông Dương là Cách mạng tư sản dân quyền. Cách mạng tư sản dân quyền là thời kỳ dự bị tiến lên làm cách mạng xã hội chủ nghĩa, không qua thời kỳ phát triển tư bản. Nhiệm vụ của Cách mạng Đông Dương là đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp, phong kiến và địa chủ, giành độc lập dân tộc, đem lại ruộng đất cho nông dân. Trong cuộc cách mạng tư sản dân quyền, công nhân và nông dân là hai lực lượng chính nhưng giai cấp công nhân phải nắm quyền lãnh đạo thì cách mạng mới thành công.

Về vai trò lãnh đạo của Đảng, Luận cương chính trị nhấn mạnh, điều kiện cốt yếu cho sự thắng lợi của cuộc cách mạng Đông Dương là cần phải có một Đảng Cộng sản có một đường chánh trị đúng, có kỷ luật, tập trung, mật thiết liên lạc với quần chúng và từng trải tranh đấu mà trưởng thành… [1]

Luận cương cũng nhắc nhở nguy cơ chiến tranh đế quốc ngày càng gần, cho nên phải làm cho khẩu hiệu chống chiến tranh đế quốc ăn sâu trong quần chúng như khẩu hiệu “đổi chiến tranh đế quốc ra chiến tranh cách mạng”, “phản đối binh bị”…; đồng thời tăng cường công tác vận động binh lính địch, tổ chức tự vệ của công nông. Luận cương chính trị cũng khẳng định Cách mạng Đông Dương là một bộ phận khăng khít của Cách mạng Vô sản thế giới.

Trong điều kiện Đảng ta mới thành lập, trình độ lý luận trong Đảng còn hạn chế, bản Luận cương chính trị là một nỗ lực lớn trong việc tiếp thu, vận dụng đường lối Cách mạng thuộc địa và nửa thuộc địa của Quốc tế Cộng sản vào tình hình Đông Dương. Cống hiến lý luận của bản Luận cương chính trị là đã làm rõ mục đích, nhiệm vụ, bước đi, động lực cách mạng, vai trò lãnh đạo của giai cấp vô sản và Đảng Cộng sản, tầm quan trọng của sức mạnh đoàn kết quốc tế đối với Cách mạng Việt Nam. Cùng với Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt do Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc soạn thảo được thông qua tại Hội nghị hợp nhất đầu năm 1930, Luận cương chính trị đã góp phần xác định rõ con đường phát triển của Cách mạng Việt Nam, đưa Cách mạng Việt Nam vượt qua mọi thử thách, đi tới thắng lợi vẻ vang.

Đóng góp to lớn trong công tác xây dựng, phát triển Đảng

Trên cương vị Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, trong điều kiện hoạt động bí mật, bị mật thám Pháp truy lùng gắt gao, đồng chí Trần Phú đã có nhiều công hiến xuất sắc cho cách mạng Việt Nam, củng cố, xây dựng Đảng cả về tư tưởng, chính trị và tổ chức, lập lại hệ thống Xứ ủy cả ba miền, thống nhất hệ thống tổ chức từ Trung ương đến Xứ ủy, Tỉnh ủy và Chi bộ. Nhờ sự cố gắng không mệt mỏi của đồng chí và Ban Thường vụ Trung ương, trong khoảng từ tháng 12/1930-tháng 1/1931, các Xứ ủy Nam Kỳ, Trung Kỳ và Bắc Kỳ đã chính thức được thành lập và từng bước được củng cố. Theo chỉ đạo của Trung ương, các Xứ ủy đã thành lập các Ban Cán sự (như Ban Thường vụ) và các bộ phận chuyên trách đã hình thành, có hệ thống từ Trung ương đến các cáp Bộ Đảng bộ Xứ và địa phương. Nhờ đó, Đảng đã được củng cố một bước khá vững chắc ngay trong hoàn cảnh bị kẻ thù khủng bố gắt gao, khốc liệt.

Việc phát triển tổ chức Đảng và Đảng viên cũng được đồng chí chú trọng. Nhờ đó, số Chi bộ và số Đảng viên xuất thân từ công nhân tại các cơ sở công nghiệp, đồn điền và các địa phương ở các vùng nông thôn đã tăng lên đáng kể. Từ 30 Chi bộ với 200 Đảng viên ngày đầu thành lập, đến trước Hội nghị Trung ương lần thứ 2 (tháng 3/1931), số Đảng viên trong toàn Đảng lên tới 2400 Đảng viên hoạt động trong 250 Chi bộ.

Đồng chí đã trực tiếp chủ trì nhiều Hội nghị của Thường vụ Trung ương (vào tháng 12/1930; tháng 1/1931) và Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ hai tại Sài Gòn (tháng 3/1931). Với nội dung bàn về nhiệm vụ hiện tại của Đảng, trong đó tập trung vào việc tăng cường sức mạnh của Đảng qua vấn đề tổ chức, Án Nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ hai là văn kiện in đậm những đóng góp của đồng chí Trần Phú về lý luận xây dựng Đảng.

Đồng chí Trần Phú đã lãnh đạo, trực tiếp soạn thảo và hoàn thiện các văn kiện, triển khai thực hiện việc phát triển các tổ chức Đảng, các tổ chức chính trị, đoàn thể, hội quần chúng nhằm tập hợp, đoàn kết thống nhất mọi lực lượng nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Hàng loạt văn kiện quan trọng được thông qua liên quan trực tiếp đến công tác tổ chức Đảng, công tác dân vận, công tác mặt trận, đặt nền móng cho việc thành lập Hội Phản đế đồng minh, thành lập các tổ chức: Công hội, Nông hội, Thanh niên, Phụ nữ, Hội Cứu tế đỏ. Chỉ sau một thời gian, tổ chức Đảng, các đoàn thể, hội quần chúng đã có sự phát triển nhanh chóng.

Nhằm xây dựng khối đoàn kết nhất trí trên cơ sở cương lĩnh, đường lối của Đảng, Tổng Bí thư Trần Phú đã quan tâm đến vấn đề đấu tranh tư tưởng trong nội bộ Đảng, khắc phục những nhận thức lệch lạc, cơ hội, bè phái, chỉ ra những vấn đề nảy sinh từ chủ nghĩa cơ hội và khuynh hướng hòa hoãn trong Đảng. Dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Trần Phú, nhiều chủ trương quan trọng về công tác tuyên truyền được quyết định: “Trong khi Đảng mới thành lập, trình độ lý luận của Đảng còn thấp kém, nền tưởng còn chưa vững bền, nhân tài để làm việc Đảng còn rất hiếm, vậy nên sự tuyên truyền chủ nghĩa Mác – Lê nin cho chuyên cần trong Đảng và trong quần chúng vô sản là việc rất cần kíp” [2]. Để xúc tiến công tác tuyên truyền giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, tháng 12/1930, Tổng Bí thư Trần Phú đã cùng Ban Thường vụ Trung ương quyết định xuất bản Báo Cờ vô sản và Báo Cộng sản; lập Ban Tuyên truyền do một Ủy viên Thường vụ Trung ương phụ trách.

Dưới sự chủ trì của đồng chí, các quyết nghị của Trung ương giai đoạn này đã góp phần đưa phong trào cách mạng Đông Dương phát triển lên tầm cao mới. Bộ Tham mưu tối cao của Đảng do Tổng Bí thư Trần Phú đứng đầu đã thực hiện sứ mệnh lịch sử, dấy lên cao trào cách mạng 1930-1931 mà đỉnh cao là phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh. “Cuộc vận động Nghệ-Tĩnh là một bước dài trong đường cách mạng. Cuộc vận động này là một cuộc vận động có giác ngộ, có tổ chức, có Đảng Cộng sản và các đoàn thể giai cấp lãnh đạo. Cuộc vận động này có cội rễ sâu sắc trong đám nông dân, có tánh chất quần chúng và giai cấp rõ rệt…Cuộc vận động này là một bước lớn trong cuộc cách mạng phản đế và điền thổ có ảnh hưởng to trong lịch sử giải phóng ở Đông Dương” [3]

Ngày 11/4/1931, Hội nghị lần thứ XI Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản công nhận “Đảng Cộng sản Đông Dương trước đây là một Chi bộ của Đảng Cộng sản Pháp từ nay được công nhận là Chi bộ độc lập thuộc Quốc tế Cộng sản”. [4]

Sau Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ hai, lần lượt các đồng chí Lãnh đạo của Đảng bị bắt. Ngày 18/4/1931, đồng chí Trần Phú bị địch bắt tại số nhà 66 đường Sămpanhơ (nay là đường Lý Chính Thắng, Thành phố Hồ Chí Minh) và đưa về giam giữ tại Khám Lớn, Sài Gòn. Trước những đòn tra tấn dã man và chế độ lao tù hà khắc của đế quốc, ngày 6/9/1931, đồng chí đã trút hơi thở cuối cùng tại Nhà thương Chợ Quán, Sài Gòn. Trước lúc hy sinh, đồng chí vẫn nhắn gửi đồng chí, đồng bào lời nói bất hủ: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”.

Ngày 12/1/1999, để tỏ lòng biết ơn công lao to lớn của đồng chí đối với sự nghiệp Cách mạng của Đảng và dân tộc, Đảng và Nhà nước tổ chức trọng thể Lễ truy điệu đồng chí Trần Phú tại TP Hồ Chí Minh và di dời hài cốt của đồng chí về an táng tại núi Quần Hội, xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.

Hơn 90 năm qua, tư tưởng của Tổng Bí thư Trần Phú về con đường cách mạng Việt Nam vẫn còn nguyên giá trị. Các văn kiện Đại hội của Đảng tiếp tục khẳng định con đường cách mạng Việt Nam là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, lực lượng của cách mạng là giai cấp công nhân, nông dân và toàn thể nhân dân lao động, cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là một bộ phận của phong trào cách mạng xã hội chủ nghĩa thế giới. Đảng Cộng sản Việt Nam lấy chủ nghĩa Mác-Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động. Công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng được tăng cường và đi vào chiều sâu. Công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch được chỉ đạo quyết liệt. Công tác giáo dục đạo đức cách mạng được thực hiện sâu rộng, gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị chuyên môn.

HP (tổng hợp)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *