TỔNG THUẬT Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 12/2024: Làm rõ nhiều vấn đề báo chí quan tâmTỔNG THUẬT Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 12/2024: Làm rõ nhiều vấn đề báo chí quan tâm

(Chinhphu.vn) – Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 12/2024 diễn ra tại Hà Nội chiều 08/01, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành đã trả lời, làm rõ nhiều vấn đề, câu hỏi được báo chí và dư luận xã hội quan tâm.

0:00

08/01/2025  17:00
15:24 ngày 08/01/2025

PV Trần Vương (báo Lao Động): Năm 2025 chúng ta đặt mục tiêu tăng trưởng 8%, vậy cơ sở nào để chúng ta đặt ra mục tiêu này? Bộ Kế hoạch và Đầu tư có đánh giá về các triển vọng phát triển kinh tế – xã hội năm 2025 này như thế nào? Với dự kiến tăng trưởng của năm nay liệu chúng ta có về đích được các mục tiêu mà Đại hội XIII đề ra hay không?

TỔNG THUẬT Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 12/2024: Làm rõ nhiều vấn đề báo chí quan tâm- Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Đức Tâm phân tích các động lực tăng trưởng trong năm 2025 – Ảnh: VGP/NB

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Đức Tâm: Chính phủ đã trình Quốc hội và Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 158/2024/QH15 liên quan đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của năm 2025. Dự kiến mục tiêu tăng trưởng 6,5-7%, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng 7-7,5%. Trong bối cảnh tình hình mới hiện nay, theo chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng như sự quyết liệt chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngay từ cuối tháng 12/2024, Thủ tướng đã có Công điện số 140/CĐ-TTg yêu cầu tất cả các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện, lên các kịch bản tăng trưởng để trong năm 2025, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tối thiểu 8%. Trong điều kiện thực hiện thuận lợi, phấn đấu tăng trưởng 2 con số. Trong đó, có đưa ra yêu cầu rất cao cho các địa phương thường gọi là “đầu tàu, động lực tăng trưởng” như Hà Nội, TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai và một số địa phương khác. Nếu các địa phương này tăng trưởng cao hơn con số đạt được của năm 2024 thì sẽ tạo ra động lực tăng trưởng rất lớn.

Như kế hoạch năm 2024, mục tiêu tăng trưởng lúc đầu đặt ra là 6,5%, vì bão lũ ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng 0,8%. Đến thời điểm hiện nay, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chúng ta đạt 7,09%. Đây là cơ sở, tiền đề rất quan trọng để triển khai thực hiện các mục tiêu đề ra trong năm 2025.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng ít nhất 8% và phấn đấu tăng trưởng 2 con số, tối thiểu là 10%, thì phải có động lực, các giải pháp, cũng như các yếu tố nào? Với cơ quan tham mưu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xác định năm 2025 tiếp tục phải thực hiện đổi mới và hoàn thiện công tác thể chế. Chúng tôi xác định công tác hoàn thiện thể chế là một trong những độc lực giúp cho tăng trưởng đạt được kết quả cao.

Thứ ha, tiếp tục thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và đảm bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, mặc dù chúng ta phấn đấu tốc độ tăng trưởng cao nhưng vẫn phải đảm bảo các yếu tố nền tảng của nền kinh tế vĩ mô cũng như kiểm soát lạm phát.

Thứ ba, liên quan đến điều hành chính sách tiền tệ, tiếp tục theo hướng chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả và đồng bộ. Trong năm 2024, chúng ta thực hiện rất nhiều việc liên quan đến miễn, giảm, giãn, hoãn thuế, đến thời điểm hết năm khoảng 197 nghìn tỷ. Cuối năm chúng ta vẫn thực hiện việc tăng thu, dự kiến đến nay khoảng 337 nghìn tỷ. Điều đó cho thấy nếu chúng ta tạo điều kiện cho doanh nghiệp thì sẽ thực hiện thu được nhiều hơn, doanh nghiệp sẽ quay trở lại hoạt động và tin tưởng vào nền kinh tế hơn. Đây là một trong những giải pháp trong thời gian tới cần tiếp tục triển khai thực hiện. Ngay từ đầu năm 2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định liên quan đến việc miễn, giảm, giãn, hoãn thuế đến hết tháng 6/2025 cho các doanh nghiệp triển khai thực hiện. Việc miễn, giảm, giãn, hoãn thuế này không chỉ hỗ trợ cho doanh nghiệp mà đây là việc hỗ trợ ngay cho người dân, người dân có thể mua được hàng hóa nhiều hơn, thực hiện kích cầu trong nước.

Một cái nữa là làm mới các động lực tăng trưởng, nhất là đầu tư, kích cầu tiêu dùng cũng như xuất nhập khẩu. Về đầu tư, kế hoạch năm 2025, các bộ, ngành và địa phương sẽ phải thực hiện giải ngân tổng vốn đầu tư công khoảng 295 nghìn tỷ, cộng với số chuyển tiếp của năm 2024 theo quy định của pháp luật khoảng hơn 300 nghìn tỷ. Đây là con số rất lớn. Nếu chúng ta giải ngân được hết số vốn này thì sẽ tạo động lực để thu hút các thành phần kinh tế khác, làm vốn mồi để thu hút, thúc đẩy tăng trưởng.

Chúng tôi cũng xác định năm 2025 sẽ là năm thực hiện kích cầu tiêu dùng trong nước. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, không chỉ Việt Nam mà rất nhiều nước trên thế giới cũng thực hiện.

Năm 2025, tập trung kích cầu tiêu dùng trong nước, trong đó có thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Khách du lịch trong nước cố gắng phấn đấu thu hút 120-130 triệu lượt và khách du lịch quốc tế khoảng 20 triệu. Đây là một trong những nguồn lực để thúc đẩy tăng trưởng.

Bên cạnh đó, sẽ đẩy mạnh 17 FTA đã ký kết, trong đó có thị trường hàng hóa Halal. Đây là một trong những động lực.

Một động lực tăng trưởng trong thời gian tới là tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị mới ban hành liên quan đến khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 182/2024/NĐ-CP liên quan đến Quỹ hỗ trợ đầu tư. Trong đó chỉ rất rõ là đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đặc biệt là chip và bán dẫn, sẽ có các cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư. Nếu chúng ta tận dụng được nguồn lực này thì đây là một trong những kiều kiện rất lớn.

Động lực tăng trưởng nữa là đẩy mạnh hoàn thiện kết cấu hạ tầng, Dự kiến, hết 2025 sẽ hoàn thiện được 3000 km đường cao tốc và 1000 km đường ven biển. Trong đó có nhiều dự án đường cao tốc sẽ nâng quy mô từ 2 làn lên 4 làn, và từ 4 làn lên đủ làn theo quy hoạch.

Cuối cùng là xây dựng trung tâm tài chính ở TPHCM và Đà Nẵng. Đây là cuộc chơi mới và cách thức mới để chúng ta thu hút được thêm nguồn lực. Nếu chúng ta làm được việc này thành công thì chắc chắn sẽ có nhiều nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế.

15:40 ngày 08/01/2025

PV Trần Vương (báo Lao động): Xin Bộ Y tế cho biết tiến độ 2 dự án bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức, cơ sở 2 có theo đúng kế hoạch đưa vào sử dụng từ đầu năm 2024 không? Dự kiến hai dự án này bao giờ được đưa vào sử dụng?

Thông tin về virus gây viêm phổi trên người HMPV tại Trung Quốc vừa qua nhận được sự quan tâm lớn của người dân. Xin Bộ Y tế cho biết các giải pháp phòng, tránh, ngăn chặn loại virus này, không để bùng phát thành dịch bệnh nguy hiểm?

TỔNG THUẬT Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 12/2024: Làm rõ nhiều vấn đề báo chí quan tâm- Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên thông tin tới báo chí về tiến độ hai dự án Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức cơ sở 2 và tình hình virus gây viêm phổi trên người HMPV tại Trung Quốc – Ảnh: VGP/NB

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên: Thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế, tôi trân trọng cảm ơn các cơ quan báo chí, các phóng viên đã theo dõi và đồng hành cùng Bộ Y tế trong năm 2024.

Trong năm qua, Bộ Y tế đã hoàn thành đạt vượt 3 chỉ tiêu mà Quốc hội giao cho bộ, ngành y tế. Đó là số bác sĩ/vạn dân, số giường bệnh/vạn dân, và tỉ lệ dân số tham gia BHYT. Đồng thời cũng đã hoàn thành 7/8 chỉ tiêu Chính phủ giao Bộ Y tế, 1 chỉ tiêu xấp xỉ hoàn thành.

Về tiến độ xây dựng hai dự án Bạch Mai 2 và Việt Đức 2, hai dự án này được triển khai thực hiện từ năm 2014 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư 2 dự án này là phù hợp với chủ trương chung về việc chăm sóc sức khỏe nhân dân, đặc biệt là đưa các dịch vụ y tế chất lượng cao về gần dân, để người dân tiếp cận được với dịch vụ y tế chất lượng cao nhanh nhất, hiệu quả nhất; giảm tải cho các bệnh viện tuyến Trung ương.

Hai dự án này được thực hiện theo gói thầu EPC (vừa thiết kế, vừa thi công và vừa cung cấp thiết bị công nghệ). Đây là loại hình đầu tư mới với thời điểm năm 2014, nên trong quá trình triển khai đã gặp một số khó khăn, vướng mắc. Từ tháng 01/2021, nhà thầu tạm dừng thi công cho đến nay.

Thời gian vừa qua, Chính phủ, Phó Thủ tướng và các bộ, ngành có liên quan rất tích cực nghiên cứu, rà soát để đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập tổ công tác để tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ các giải pháp. Tổ công tác do Bộ trưởng Bộ Y tế làm tổ trưởng, 01 Thứ trưởng Bộ Y tế và Thứ trưởng các bộ khác như Bộ KH&ĐT, Xây dựng, Tư pháp, Tài chính… là thành viên.

Từ tháng 2/2023 đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã tổ chức trên 20 cuộc họp để đưa ra các giải pháp giải quyết khó khăn, vướng mắc đó. Riêng Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì 3 cuộc họp Thường trực Chính phủ, các Phó Thủ tướng chủ trì rất nhiều cuộc họp để nghe Bộ Y tế, Tổ công tác báo cáo.

Đến nay, sau các cuộc làm việc, Thông báo 535 ngày 27/11/2024 của Văn phòng Chính phủ nêu rất rõ là ghi nhận sự nỗ lực, tích cực của Tổ công tác trong thời gian qua và cố gắng hoàn thiện Đề án để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của hai dự án này.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, Bộ Y tế, Tổ công tác đã hoàn thiện được phương án và đã chính thức trình Chính phủ tại Tờ trình 22 ngày 06/01/2025.

Bắt đầu từ đầu tháng 11/2024, các nhà thầu đã thi công trở lại. Bộ Y tế sẽ tiếp tục chỉ đạo chủ đầu tư, các đơn vị thi công tích cực phối hợp với các bộ, ngành triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc sau khi được cấp có thẩm quyền cho ý kiến chỉ đạo. Chúng tôi sẽ cố gắng hoàn thành và đưa dự án vào hoạt động trong năm 2025.

Với câu hỏi thứ hai, đúng là gần đây trên hệ thống giám sát ghi nhận thông tin từ các kênh thông tin báo chí và mạng xã hội có nói về các trường hợp mắc virus viêm phổi tại Trung Quốc. Bộ xin thông tin như sau:

Thứ nhất, theo các kết quả giám sát trọng điểm bệnh truyền nhiễm cấp tính lây truyền qua đường hô hấp, từ ngày 23/12 đến ngày 29/12/2024 của Trung tâm Kiểm soát và phòng chống bệnh tật Trung Quốc, ghi nhận tác nhân chủ yếu là virus cúm (HMPV). Ngay sau đó vào ngày 4/1/2025, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã chính thức thông tin các ca nhiễm trùng đường hô hấp lây lan tại quốc gia này là bệnh thông thường và đạt đỉnh vào thời điểm trong năm; đồng thời khẳng định không có sự kiện y tế bất lợi.

Virus HMPV này lây qua đường hô hấp, qua giọt bắn, hắt hơi, sổ mũi hoặc nói chuyện. Khi nhiễm virus này có biểu hiện giống cảm lạnh thông thường như sốt, ho, nghẹt mũi và có thể gây ra các biến chứng viêm phổi, viêm phế quản. Bệnh lây qua đường hô hấp và thường gia tăng vào mùa đông với điều kiện thời tiết khô lạnh và khả năng mắc bệnh cao thường với trẻ em dưới 5 tuổi, người già, người có bệnh lý nền do hệ thống miễn dịch kém.

Hiện nay cơ quan y tế Trung Quốc đã xác nhận rằng hệ thống y tế của Trung Quốc không bị quá tải và tỉ lệ sử dụng bệnh viện hiện tại thấp hơn ở thời điểm năm ngoái và không có tuyên bố đáp ứng khẩn cấp trong quá trình thực hiện phòng, chống bệnh.

Thứ hai, Tổ chức Y tế Thế giới cũng đánh giá đợt dịch theo mùa do tác nhân gây bệnh do đường hô hấp thường xảy ra vào mùa đông tại các khu vực có khí hậu ôn đới; đồng thời khuyến cáo người dân tại các quốc gia trong mùa đông thực hiện các biện pháp cơ bản để ngăn chặn sự lây lan, giảm thiểu rủi ro do tác nhân lây qua đường hô hấp, nhất là nhóm dễ bị tổn thương.

Đồng thời, Tổ chức Y tế Thế giới cũng khuyến cáo không áp dụng bất kỳ hạn chế nào về giao thương và đi lại liên quan đến xu hướng của bệnh đường hô hấp cấp tính hiện nay.

Trước tình hình dịch bệnh, Bộ Y tế đã chủ động theo dõi, cập nhật qua hệ thống theo dõi, giám sát sự kiện và thực hiện hằng ngày, đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ, chia sẻ của hệ thống y tế thế giới và Trung tâm kiểm soát dịch bệnh của Hoa Kỳ.

Hiện nay nước ta cũng đang trong giai đoạn mùa Đông Xuân, với điều kiện rất thuận lợi cho virus phát triển, trong đó có các virus gây viêm đường hô hấp. Bộ Y tế đưa ra khuyến cáo và thông điệp để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch mùa Xuân và Văn bản này của Bộ Y tế đã được gửi cho các Sở Y tế để triển khai thực hiện.

Bộ Y tế khuyến cáo người dân thường xuyên cập nhật những thông tin chính thức từ Bộ Y tế để tránh gây hoang mang.

Đề nghị các cơ quan báo chí tích cực phối hợp với Bộ Y tế, Cục Y tế dự phòng để có thông tin chính thức đăng tải, giúp người dân không hoang mang. Đồng thời cũng không chủ quan, lơ là và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế như ăn chín, uống sôi, vận động nâng cao thể chất, sức khỏe, thường xuyên rửa tay xà phòng, sử dụng khẩu trang tại các điểm công cộng và khu vực tập trung đông người. Đặc biệt là giữ ấm khi trời lạnh và đưa trẻ em đi tiêm chủng vaccine đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của ngành y tế. Khi có dấu hiệu bệnh đề nghị người dân đến ngay các cơ sở y tế để khám phát hiện, có hướng dẫn dự phòng cũng như điều trị đảm bảo đúng yêu cầu chuyên môn.

15:56 ngày 08/01/2025

PV Kỳ Thành (báo Đầu tư): Tình hình lương thưởng Tết và công tác đảm bảo an sinh xã hội dịp Tết Nguyên đán được triển khai như thế nào để thực hiện tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”?

TỔNG THUẬT Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 12/2024: Làm rõ nhiều vấn đề báo chí quan tâm- Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi thông tin về công tác đảm bảo an sinh xã hội dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ – ẢNh: VGP/NB

Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi: Năm nay, thực hiện chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, trực tiếp là đồng chí Tổng Bí thư, đồng chí Thủ tướng Chính phủ, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã có văn bản số 6560/BLĐTBXH-CBTXH ngày 25/12/2024 huớng dẫn thực hiện các nội dung chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương tại Chỉ thị số 40 ngày 1/12/2024 và Chỉ thị số 45 của Thủ tướng Chính phủ ngày 5/12/2024. Tinh thần là các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp thực hiện tốt đường lối, chủ trương, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị là “không ai bị bỏ lại phía sau” và tất cả người dân có Tết vui tươi, ngập tràn ấm áp.

Năm 2024, tiền lương bình quân ước đạt 8,88 triệu đồng/ tháng, tăng 4% so với năm 2023. Trong đó, công ty TNHH do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ có mức lương bình quân 10,91 triệu đồng/tháng. Lương của doanh nghiệp liên doanh là 8,1 triệu đồng/tháng và lương của doanh nghiệp khu vực có vốn đầu tư nước ngoài là 9,28 triệu đồng/tháng.

Về tiền lương, thưởng Tết Dương lịch năm 2025, do Tết Dương lịch gần ngay với Tết Nguyên đán nên nhiều doanh nghiệp có kế hoạch tập trung cho Tết Nguyên đán. Theo đó, mức thưởng bình quân là 1,46 triệu đồng/người/tháng. Trong đó công ty nhà nước nắm giữ 100% vốn có tiền thưởng là 1,95 triệu đồng/người, doanh nghiệp liên doanh là 1,13 triệu đồng, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 2,01 triệu đồng. Mức thưởng Tết Dương lịch năm 2025 cao nhất là 1,8 tỷ đồng, thuộc vị trí quản lý cấp cao trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phòng buôn bán thực phẩm tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Về thưởng Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, mức thưởng bình quân là 7,72 triệu đồng, tăng 13% so với thưởng Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Trong đó, công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là 7,66 triệu đồng, doanh nghiệp liên doanh là 6,76 triệu đồng, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 8,24 triệu đồng. Mức thưởng Tết Nguyên đán năm 2025 cao nhất là 1,908 tỷ đồng, thuộc về vị trí quản lý cấp cao doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thuộc lĩnh vực điện tử công nghệ thông tin tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Về quà Tết đối với người có công với cách mạng, Chủ tịch nước đã ban hành quyết định về mức quà Tết của Chủ tịch nước, trong đó người có công mức 300.000 đồng, và 600.000 đồng cho Bà mẹ Việt Nam anh hùng và thương binh nặng. Gại địa phương sẽ có quà riêng của cấp xã, cấp tỉnh.

Đối với đối tượng bảo trợ xã hội và người nghèo, phần lớn các địa phương đều có kế hoạch chăm lo Tết cho đối tượng bảo trợ xã hội và người nghèo với mức 300.000 đồng/hộ. Thành phố Hồ Chí Minh đang ở mức 1,15 triệu đồng/hộ và nhiều thành phố có mức hỗ trợ cao hơn mức trung bình.

Thủ tướng Chính phủ đã quyết định cấp, xuất cấp 7.500 tấn gạo để hỗ trợ cho khoảng 500.000 người dân, những người gặp khó khăn do thiên tai, lũ lụt, đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, cận nghèo… Tổng mức chi cho đảm bảo an sinh xã hội dịp Tết tổng ước tính là 10.000 tỷ đồng chi trực tiếp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, các đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng khó khăn.

Từ nay đến Tết không còn nhiều, chúng tôi đề nghị một số việc như sau:

Thứ nhất, kiến nghị và các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, đặc biệt các địa phương thực hiện kịp thời việc chi trả lương hưu và trợ cấp cho các chính sách, đối tượng bảo trợ xã hội đúng, đủ theo quy định. Đẩy mạnh phương thức chi trả không dùng tiền mặt, bảo đảm tiện ích đối với người dân và theo đúng tinh thần Đề án 06. Tập trung rà soát, nắm chắc tình hình của các đối tượng chính sách và những người có hoàn cảnh khó khăn như hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng bào địa phương bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo… để quan tâm, chăm lo chu đáo đời sống vật chất và tinh thần, kịp thời có chính sách hỗ trợ phù hợp.

Thứ hai, nắm chắc và rà soát, tổng hợp số hộ, số nhân khẩu có nguy cơ bị thiếu đói trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ và giáp hạt đầu năm 2025. Chủ động bố trí ngân sách, huy động nguồn lực để hỗ trợ kịp thời, bảo đảm không ai không có Tết.

Thứ ba, thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, đặc biệt những địa phương tập trung có nhiều lao động. Tạo thuận lợi cho người lao động nghỉ Tết và trở lại làm việc sau Tết. Theo dõi, tình hình để bảo đảm người lao động được chi trả đầy đủ tiền lương, thưởng. Bố trí nghỉ Tết đúng chế độ, đặc biệt quan tâm, hỗ trợ người lao động bị giảm sâu về thu nhập, mất việc, thiếu việc làm, ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh và lũ lụt. Tăng cường công tác kiểm tra và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn vệ sinh lao động, phòng ngừa cháy nổ tại các cơ sở sản xuất kinh doanh. Chủ động xây dựng các giải pháp phòng ngừa, xử lý tranh chấp lao động nếu có trong dịp Tết Nguyên đán. Thực hiện các giải pháp duy trì chuỗi cung ứng lao động, đáp ứng kịp thời lao động cho doanh nghiệp trước và sau Tết Nguyên đán.

Thứ tư, tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em ở vùng thiểu số, miền núi, trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh, bảo đảm tất cả trẻ em đều có Tết vui tươi, ấm áp. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện phòng, chống tai nạn thương tích ở trẻ em, phòng chống bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em và phòng chống bạo lực, bạo hành gia đình. Trong dịp Tết, tổ chức các hoạt động vui tươi, giải trí lành mạnh, an toàn, tiết kiệm cho trẻ em, bảo vệ trẻ em khỏi các sản phẩm, đồ chơi độc hại và tệ nạn xã hội.

Thứ năm, các địa phương tăng cường theo dõi, kiểm tra thường xuyên các cơ sở cai nghiện, quan tâm thực hiện đúng chế độ cho cán bộ viên chức tại các cơ sở này. Quan tâm, chăm lo các đối tượng, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng học viên kích động, bỏ trốn, phá hoạt cơ sở vật chất gây mất ổn định tình hình chính trị xã hội tại địa phương.

16:05 ngày 08/01/2025

PV Ngọc An (báo Tuổi trẻ TPHCM): Thời gian qua, có một số thông tin thất thiệt được đưa trên các hội nhóm mạng xã hội liên quan đến lãnh đạo Ngân hàng ACB. Xin hỏi Bộ Công an đã có hướng xử lý những vụ việc này như thế nào? Trong tương lai, Bộ có biện pháp nào để ngăn chặn các sự việc tương tự nhằm bảo vệ doanh nghiệp?

TỔNG THUẬT Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 12/2024: Làm rõ nhiều vấn đề báo chí quan tâm- Ảnh 1.

Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, Người phát ngôn Bộ Công an, trả lời báo chí về việc xử lý thông tin thất thiệt được đưa trên các hội nhóm mạng xã hội – Ảnh: VGP/NB

Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, Người phát ngôn Bộ Công an: Xung quanh vấn đề thông tin thất thiệt liên quan đến Ngân hàng ACB trên các hội nhóm hiện nay, qua theo dõi của chúng tôi thấy có những thông tin thất thiệt, thậm chí vu khống. Đây là hiện tượng rất đáng lo ngại.

Từ góc độ đạo đức xã hội, đây là sự xuống cấp của đạo đức xã hội. Việc vu cáo, bịa đặt, vu khống cho thấy văn minh trên không gian mạng đang còn rất nhiều vấn đề.

Về mặt pháp lý, theo các bộ luật hiện nay, hành vi như thế có thể bị xử phạt từ phạt tiền đến phạt tù – tức là xử lý hình sự. Ví dụ như trường hợp bà Nguyễn Thị Phương Hằng, Tổng Giám đốc Công ty Đại Nam cũng bị xét xử vì hành vi đưa những tin xuyên tạc, sai sự thật.

Liên quan đến ACB, chúng tôi được biết trên không gian mạng có những thông tin đơn đặt, thất thiệt. Khi có đơn thư, theo quy định của pháp luật, chúng tôi sẽ xem xét, xử lý.

Tôi cho rằng, chúng ta phải giáo dục đạo đức trên không gian mạng để những người trên đó có hành vi, ứng xử văn minh hơn, trung thực hơn.

Về phía cơ quan công an, Bộ Công an đã và đang và tiếp tục làm những việc sau:

Tiếp tục thu thập thông tin, nắm tình hình về các hành vi đưa tin không đúng sự thật, không có kiểm chứng, có tính vu khống trên không gian mạng để phát hiện các đối tượng và có kiến nghị biện pháp xử lý phù hợp.

Thứ hai, với các hành vi rất rõ ràng, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm, đúng quy định pháp luật về hành vi vu khống, đặc biệt tác động đến hoạt động kinh doanh, đầu tư, thương mại, uy tín của các cá nhân, tổ chức.

Thực tế vừa qua, Bộ Công an đã làm rất nhiều việc, xử lý nhiều vụ về vấn đề này.

Thứ ba, chúng tôi cũng mong muốn các cơ quan truyền thông tăng cường phổ biến giáo dục về quy định pháp luật của Nhà nước, qua đó nâng cao ý thức của người dân hơn.

16:08 ngày 08/01/2025

PV Quang Thắng (Zing News): Thời gian vừa qua Bộ Công an có tích hợp chấm điểm Giấy phép lái xe trên ứng dụng VNeID và một vài liên kết giữa các ngân hàng để xác thực sinh trắc học trên ứng dụng này. Theo kế hoạch, năm 2025, Bộ Công an sẽ tích hợp thêm các dịch vụ gì để hỗ trợ người dân?

TỔNG THUẬT Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 12/2024: Làm rõ nhiều vấn đề báo chí quan tâm- Ảnh 1.

Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên thông tin về ứng dụng VNeID – Ảnh: VGP/NB

Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, Người phát ngôn Bộ Công an: Trong thời gian qua, bằng nỗ lực rất lớn của lực lượng công an, cho đến nay, Bộ Công an đã xây dựng, duy trì được một cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư “đúng, đủ, sạch, sống”. Theo đó, tất cả mọi công dân Việt Nam đều có dữ liệu trong cơ sở dữ liệu này theo quy định của Luật Cư trú và Luật Căn cước. Trên cơ sở một nền dữ liệu rất tốt về công dân như thế, Chính phủ ban hành Đề án 06, phát huy cơ sở dữ liệu này trong việc phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng Chính phủ số, xã hội số và công dân số, Bộ Công an đã xây dựng, đưa ra ứng dụng VNeID.

Ở đây, bản chất nó là hồ sơ điện tử cá nhân của mỗi một con người. Với hồ sơ điện tử cá nhân như thế này, Bộ Công an đã chỉ đạo và xây dựng rất nhiều nội dung tích hợp vào đây.

Thứ nhất là cập nhật giấy tờ. Hiện nay, chúng ta cập nhật được trên ứng dụng này ngoài căn cước, đã có giấy phép lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm y tế. Chúng ta thấy rằng, hiện nay, việc sử dụng giấy phép lái xe trên VNeID được coi là tài liệu chính thức, được xuất trình trong quá trình kiểm tra giao thông mà không cần phải mang giấy phép lái xe vật lý nữa.

Thứ hai là đưa các dịch vụ phục vụ người dân trên hệ thống VNeID. Ví dụ rất rõ ràng là lý lịch tư pháp. Hiện nay việc cấp lý lịch tư pháp thay vì phải đến các Sở Tư pháp, người dân có thể dùng VNeID rất nhanh. Hoặc bây giờ, đăng ký ô tô toàn trình, đăng ký lần đầu cũng được sử dụng trên ứng dụng VNeID. Rồi những lĩnh vực khác như các hoạt động liên quan đến cư trú, đăng ký cư trú, thay đổi cư trú… hoàn toàn làm trên VNeID được. Chúng tôi đã có 33 dịch vụ các loại đăng ký trên chương trình này.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, đây là một công cụ, một phương tiện để người dân thực hiện đúng là công dân số. Thông qua VNeID này, chúng ta khai thác được hồ sơ của các cá nhân tham gia các hoạt động xã hội.

Trong thời gian tới, Bộ Công an sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng các dịch vụ đang có hiện nay trên VNeID, và tiếp tục mở rộng thêm nữa các tiện ích khác, đảm bảo VNeID ngày càng mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân, thân thiện hơn và sử dụng dễ hơn cho người dân.

Đây là chỉ đạo của Chính phủ mà cũng là nhiệm vụ rất lớn của Bộ Công an. Tuy nhiên, việc này có sự đồng hành rất lớn của các bộ, ngành khác, bắt đầu từ cơ sở hạ tầng, quy định pháp lý, quy trình và rất nhiều yếu tố khác, đảm bảo các dịch vụ trên VNeID được sử dụng một cách hiệu quả, thuận tiện cho người dân.

18:05 ngày 08/01/2025

TỔNG THUẬT Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 12/2024: Làm rõ nhiều vấn đề báo chí quan tâm- Ảnh 1.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ, chúc tết đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, các phóng viên, biên tập viên tham dự họp báo – Ảnh: VGP/NB

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ: Như chúng ta đều biết, năm 2024 vừa qua đi với rất nhiều sự kiện quan trọng của đất nước và để lại nhiều dấu ấn đầy cảm xúc; đồng thời mở ra những kỳ vọng mới, niềm tin mới vào một Kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng của dân tộc. Bước vào năm 2025, một năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, chúng ta vừa phải “tăng tốc, bứt phá” để về đích, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của năm 2025 và của cả nhiệm kỳ 2021 – 2025; vừa thực hiện tốt việc sắp xếp tổ chức bộ máy và tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Trong không khí phấn khởi và tâm thế mới dâng trào niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, tương lai phát triển của đất nước (như các đồng chí và các bạn cảm nhận tại Hội nghị Chính phủ với địa phương sáng nay) cùng những tín hiệu may mắn ngay từ những ngày đầu năm mới (nhiều dự báo tích cực về triển vọng phát triển KTXH của nước ta hay việc đội tuyển bóng đá nước ta giành chức vô địch tại giải ), tiếp theo buổi họp báo Chính phủ và nhân dịp chuẩn bị đón Xuân Ất Tỵ, hôm nay VPCP tổ chức gặp mặt, chúc mừng báo chí.

Trước hết, thay mặt Lãnh đạo Văn phòng Chính phủ và với tư cách là Người phát ngôn của Chính phủ, tôi trân trọng gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất và lời cảm ơn chân thành đến các cơ quan báo chí, những nhà báo, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên đã đồng hành với Chính phủ trong năm qua. Các đồng chí và các bạn đã theo sát sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như các thành tựu về phát triển kinh tế – xã hội để đưa những thông tin nóng hổi nhất, chính xác nhất, nhanh nhất đến với đồng bào, nhân dân cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế.

Nhìn lại năm 2024, chúng ta rất vui mừng bởi các đồng chí và các bạn – những người làm báo đã có nhiều tác phẩm phản ánh sinh động, đa chiều hiện thực đời sống kinh tế – xã hội; khuyến khích và động viên nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; biểu dương và tôn vinh những điều tốt đẹp, tử tế… Tập thể Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ nhiều lần ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực, sáng tạo của các đồng chí và các bạn đã có những tác phẩm báo chí phản ánh tinh thần làm việc hăng say của kỹ sư, công nhân, người lao động trên công trường xây dựng đường dây 500kV mạch 3 Quảng Bình – Hưng Yên hay trên các công trình xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc hoặc tin bài về phòng chống, khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3…

Thành tựu phát triển KTXH năm 2024 là rất ấn tượng và toàn diện (như Hội nghị Chính phủ sáng nay đã khẳng định). Trong thành công chung đó có sự đóng góp đáng ghi nhận của các nhà báo đang có mặt tại đây hôm nay. 12 cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra trong năm qua có ý nghĩa rất quan trọngvới sự tham gia đông đảo của các đồng chí, các bạn thể hiện sự luôn đồng hành phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Từ các thông tin, số liệu được cung cấp tại mỗi cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ, chúng ta đều thấy tình hình kinh tế – xã hội của đất nước ngày càng tốt hơn, kết quả đạt được tháng sau cao hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, kết quả cả năm hoàn thành xuất sắc và vượt mức nhiều chỉ tiêu đã đặt ra. Các vấn đề báo chí dư luận xã hội quan tâm nổi cộm đều được Chính phủ lắng nghe, chỉ đạo xử lý kịp thời.

Các câu hỏi mà các phóng viên báo chí đặt ra đều mang tới hơi thở cuộc sống. Chúng tôi coi đó là những thông tin hữu ích, mang tính xây dựng đối với công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương.

Cá nhân tôi, trên cương vị người phát ngôn của Chính phủ, nhân dịp này xin được bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc tới các nhà báo, những người đã luôn đồng hành, ủng hộ, chuyển tải thông tin đầy đủ, trung thực, chính xác, kịp thời, góp phần quan trọng trong việc tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của nhà nước, sự điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đưa chính sách vào cuộc sống, củng cố niềm tin, tạo đồng thuận xã hội.

Năm 2025 là năm có ý nghĩa quan trọng, là năm chúng ta thực hiện cùng lúc nhiều nhiệm vụ lớn. Đó là tổ chức đại hội Đảng các cấp tiếp tục Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV. Đây cũng là năm kỷ niệm nhiều ngày lễ lớn của đất nước – kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng, 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 80 năm thành lập Nước… Chúng ta cũng thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội với tốc độ tăng trưởng cao để hoàn thành đạt và vượt mức các mục tiêu Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra. Bên cạnh đó, chúng ta phải thực hiện tốt việc tổ chức, sắp xếp bộ máy “tinh – gọn – mạnh – hiệu năng – hiệu lực – hiệu quả”

Những nhiệm vụ đó đòi hỏi nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đặc biệt rất cần sự góp sức của các nhà báo, các cơ quan báo chí, để làm sao tạo sự đồng thuận, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong bối cảnh đặt biệt này.

Tôi mong muốn các cơ quan báo chí, các nhà báo tiếp tục đồng hành, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Văn phòng Chính phủ trong công tác thông tin, tuyên truyền, góp phần tạo hiệu quả sâu sắc hơn nữa để lan tỏa thông tin tích cực về công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để phát triển kinh tế – xã hội và chăm lo bảo đảm cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng luôn quan tâm vai trò của công tác thông tin truyền thông trong quá trình chỉ đạo, điều hành để tăng cường tính công khai, minh bạch, tạo sự đồng thuận, lấy cái đẹp dẹp cái xấu, truyền cảm hứng, tạo sự lan tỏa trong xã hội; tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí thực hiện sứ mệnh cao cả của mình, tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc vì lợi ích của nhân dân.

Văn phòng Chính phủ sẽ tiếp tục chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, nâng cao hiệu quả phối hợp công tác với các cơ quan báo chí để qua đó làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, góp phần hiệu quả vào sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Nhân dịp năm mới 2025 và chuẩn bị đón Xuân Ất Tỵ, một lần nữa, tôi xin chúc các quý vị đại biểu, các phóng viên, biên tập viên, những người làm báo và gia đình năm mới sức khỏe, hạnh phúc, an khang, thịnh vượng và nhiều thành công./.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *