(Chinhphu.vn) – Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đề nghị các thành viên Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên, các bộ, ngành chức năng, các địa phương trong vùng tiếp tục tích cực, chủ động hơn nữa trong triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đã được đề ra, nhất là thúc đẩy các dự án hạ tầng giao thông còn đang chậm tiến độ.
Hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên lần thứ tư diễn ra vào chiều nay (2/1). Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên chủ trì Hội nghị.
Tại Hội nghị, đại diện các bộ, ngành đã thảo luận về tình hình phát triển kinh tế-xã hội, tình hình triển khai các hoạt động của Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên năm 2024 và dự kiến chương trình công tác năm 2025; đánh giá tình hình thực hiện các dự án đầu tư trọng điểm trên địa bàn; đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ và 6 công tác trọng tâm triển khai Đề án phát triển kinh tế-xã hội gắn với bảo vệ an ninh, quốc phòng địa bàn Tây Nguyên (Đề án 104).
Đồng thời nêu các đề xuất, kiến nghị về phương hướng, giải pháp trọng tâm và nhiệm vụ cụ thể cần giao cho các bộ, ngành và địa phương vùng Tây Nguyên để tổ chức liên kết phát triển vùng với hiệu quả cao nhất, các vấn đề về phát triển năng lượng tái tạo, kế hoạch đầu tư phát triển giao thông kết nối vùng, quy hoạch khai thác khoáng sản…
Phát biểu kết luận Hội nghị, đánh giá cao Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chuẩn bị báo cáo cho Hội nghị đầy đủ, kỹ lưỡng, công phu cũng như đánh giá cao lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và các đại biểu dự họp đã có nhiều ý kiến đóng góp sâu sắc, trách nhiệm, tâm huyết, khả thi, sát thực tiễn, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, nhìn lại năm 2024, kinh tế-xã hội vùng Tây Nguyên có nhiều chuyển biến tích cực; các chủ trương, quyết sách được triển khai thực thực hiện sâu rộng, đặc biệt là các nguồn lực đã được Chính phủ bố trí để thực hiện đầu tư theo đúng quy định; “Có thể nói Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị đã đầu tư nguồn lực theo đúng quy hoạch và có tác dụng thúc đẩy kinh tế-xã hội và cải thiện đời sống người dân”.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì vùng vẫn còn những tồn tại, hạn chế, trong đó, đối với 6 dự án giao thông thì chỉ có 1 dự án là tiến độ tốt, còn 5 dự án đang “ì ạch”, tốc độ giải ngân chậm. Nhiều Chương trình, dự án đã được duyệt, nguồn lực đã được bố trí, song tiến độ triển khai là chậm và trong nhiều khó khăn thì có khó khăn trong giải tỏa, đền bù, đây là nút thắt mà các địa phương cần hết sức quan tâm tháo gỡ.
Đồng tình với nhận định, đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là tình hình kinh tế-xã hội của vùng “có sáng sủa”, có tăng trưởng, thu tốt hơn, các công trình đã và đang được thúc đẩy triển khai, tuy vậy Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cho rằng đây vẫn đang là “vùng lõm” của đất nước, hạ tầng kết nối kém hơn nơi khác, hộ nghèo nhiều hơn, tốc độ tăng trưởng về mặt tỉ trọng có khá hơn nhưng về mặt giá trị tuyệt đối còn thấp hơn các vùng khác, đời sống người dân còn khó khăn, chất lượng nguồn nhân lực thấp hơn các tỉnh khác. Đây là những điểm nghẽn, khó khăn nhìn thấy để phải cùng nhau tháo gỡ và vượt qua.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đề nghị các thành viên Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên, các bộ, ngành chức năng, các địa phương trong vùng tiếp tục tích cực, chủ động hơn nữa trong triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đã được đề ra, nhất là thúc đẩy các dự án hạ tầng giao thông còn đang chậm tiến độ; chỉ đạo thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ triển kinh tế-xã hội gắn với bảo vệ an ninh, quốc phòng địa bàn Tây Nguyên.
Đối với cơ chế, chính sách, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tập hợp tương đối đầy đủ các cơ chế, chính sách. Các địa phương cần tiếp tục phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong quá trình hoàn thiện các chính sách, nhất là đối với các chính sách đặc thù đang được đề nghị. Đồng thời, cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải ngân, triển khai thực hiện các công trình giao thông, nhất là những công trình còn đang “ì ạch”.
Các địa phương trong vùng cũng cần hết sức lưu ý đẩy mạnh triển khai thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về xóa nhà tạm, nhà dột nát. Cùng với nguồn lực hỗ trợ từ Trung ương, từ xã hội hóa, các địa phương cần phải chủ động trong bố trí nguồn lực của mình để thực hiện chủ trương này, không thể chỉ trông cậy vào nguồn vốn Trung ương và nguồn vốn xã hội hóa.
Với năng lượng tái tạo, xác định đây là khu vực có nhiều tiềm năng và lợi thế, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị các địa phương tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư thực hiện các dự án. Bộ Công Thương cần bổ sung các quy hoạch, ưu tiên cho vùng khó khăn này. “Cái chúng ta có thể hỗ trợ được cho Tây Nguyên chính là năng lượng tái tạo, trong đó không phải chỉ phê duyệt, đồng ý, mà còn có hạ tầng truyền tải. Bộ đưa vào chủ trương phát triển hạ tầng đường truyền tải, qua đó tăng thêm tính hấp dẫn mời gọi nhà đầu tư vào năng lượng tái tạo”, Phó Thủ tướng Thường trực lưu ý.
Tây Nguyên là vùng có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Năm 2024, trong bối cảnh tình hình quốc tế, trong nước gặp nhiều khó khăn, thách thức, tình hình KTXH vùng Tây Nguyên vẫn phục hồi tích cực, đạt nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực, tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm 2023. Nổi bật là GRDP năm 2024 vùng tăng 4,85%, trong đó ngành nông nghiệp tăng 4,78%, cao nhất trong 6 vùng kinh tế; quy mô GRDP của cả vùng giá hiện hành năm 2024 ước đạt 496,5 nghìn tỷ đồng. Tổng thu ngân sách nhà nước của vùng năm 2024 ước đạt trên 32,5 nghìn tỷ đồng, tăng 1,8% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao Toàn. Vùng đã có 368 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm tỉ lệ 62,5%; trong đó có 50 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 16 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Nguyễn Hoàng