(Chinhphu.vn) – Ngày 18/12, tại Hòa Bình, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc, Chủ tịch Hội đồng, đã chủ trì Hội nghị lần thứ 4 Hội đồng điều phối vùng trung du và miền núi phía bắc.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng khái quát và biểu dương những kết quả vùng đã đạt được trong năm 2024, nhất là GRDP của toàn vùng dự kiến cao nhất cả nước; cơ cấu kinh tế chuyển đổi tích cực, môi trường kinh doanh được cải thiện;…
Phó Thủ tướng cũng nêu ra những vấn đề còn tồn tại trong vùng và nhấn mạnh “chúng ta là những toa tàu trong đoàn tàu đất nước đang tăng tốc hướng tới hạnh phúc, ấm no, thịnh vượng”. Do đó, cần nhìn nhận rõ những kết quả đã đạt được, cũng như những điểm còn hạn chế, những khó khăn, vướng mắc và các giải pháp tháo gỡ để đưa vùng trung du và miền núi phía bắc tiếp tục phát triển nhanh, bền vững trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Tại hội nghị, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, tỉnh Điện Biên, Yên Bái, Tuyên Quang, Sơn La, Lào Cai bày tỏ thống nhất cao với báo cáo trung tâm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khẳng định dù hết sức khó khăn nhưng với sự quan tâm sâu sắc của Trung ương, sự nỗ lực của các tỉnh, những kết quả đạt được về phát triển kinh tế-xã hội của vùng trong năm 2024 là rất đáng phấn khởi, chưa bao giờ vùng đạt được kết quả “ngoạn mục” như năm qua.
Tuy nhiên, vùng trung du và miền núi phía bắc vẫn đang là khu vực “thấp nhất” cả về kinh tế, văn hóa, xã hội… của cả nước. Nhiều vấn đề (xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an ninh, phòng chống tội phạm, ứng phó thiên tai, y tế, giáo dục…) đã và sẽ còn tồn tại lâu dài không dễ khắc phục trong ngày một ngày hai.
Phân tích các tiềm năng phát triển của vùng, nhấn mạnh mối quan hệ giữa “phát triển và ổn định”, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đề xuất, kiến nghị một số nội dung liên quan đến việc: Triển khai dự án cơ sở hạ tầng giao thông, kết nối giao thông của vùng với Bắc Lào, Nam Trung Quốc, vươn sang Bắc Thái Lan và Myanmar; kết nối giao thông với vùng đồng bằng sông Hồng và Thủ đô Hà Nội; triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thông mới; phát triển kinh tế lâm nghiệp; vừa phát triển, giữ rừng “giữ lá phổi và nguồn nước cho miền Bắc” vừa lo sinh kế cho người dân; phát triển vùng dược liệu và nông sản đặc sản; phát triển điện gió, điện mặt trời; phát triển y tế, giáo dục vùng miền núi và dân tộc thiểu số; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nội bộ; phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong triển khai dự án; nâng trần mức vay; hỗ trợ các địa phương trong vùng đẩy mạnh chuyển đổi số; phát triển kinh tế du lịch, thị trường tín chỉ carbon; kiểm kê đất đai nông, lâm trường; triển khai cửa khẩu thông minh; đẩy mạnh kết nối, hợp tác kinh tế, thương mại, du lịch qua biên giới giữa các tỉnh trong vùng với các địa phương ven biên giới của Trung Quốc;…
Tại hội nghị, các ý kiến cũng kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, xây dựng trình Quốc hội ban hành cơ chế đặc thù cho vùng khó khăn nhất cả nước có điều kiện vươn lên.
Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Nguyễn Phi Long bày tỏ mong muốn Trung ương sớm có những cơ chế, chính sách mạnh mẽ hơn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các tỉnh trong vùng, cụ thể là: Cơ chế đặc thù về hợp tác công tư PPP; cơ chế đặc thù về thị trường tín chỉ carbon; nâng khoán kinh phí bảo vệ rừng; có chiến lược phát triển du lịch cho người dân vùng dân tộc thiểu số; cần điều chỉnh để có cơ chế giá hợp lý đối với thủy điện để các tỉnh có thêm nguồn ngân sách phục vụ nhân dân vùng lòng hồ; nâng tỉ lệ vay để giúp các tỉnh có thêm nguồn lực đầu tư phát triển các dự án hạ tầng trọng điểm,…
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trần Hồng Minh, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Tâm đã trao đổi, giải đáp các kiến nghị của các địa phương liên quan đến việc đầu tư một số dự án đường cao tốc, đường bộ, cầu đường bộ, sân bay trên địa bàn; thể chế phân cấp, phân quyền liên quan đến dự án PPP, đầu tư công, sử dụng ngân sách; cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng; hỗ trợ về nguồn lực;…
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đánh giá cao Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các bộ, ngành và các địa phương trong vùng, đặc biệt là tỉnh Hòa Bình đã phối hợp chặt chẽ, chuẩn bị chu đáo Hội nghị lần thứ 4 của Hội đồng điều phối vùng trung du và miền núi phía bắc.
Vùng trung du và miền núi phía bắc có 14 tỉnh, là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về dân tộc, quốc phòng, an ninh, có đường biên giới với Trung Quốc và Lào. Dù bối cảnh quốc tế, trong nước không thuận lợi, đặc biệt là thiệt hại về lũ lụt sau cơn bão số 3 vừa qua, kinh tế – xã hội vùng trung du và miền núi phía bắc vẫn phục hồi tích cực, đạt nhiều kết quả tích cực như Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh một số chỉ tiêu quan trọng như: Tăng trưởng GRDP của vùng năm 2024 ước đạt 9,11%, cao hơn bình quân chung cả nước (6,8%-7%) và là vùng cao nhất cả nước. Trong đó một số địa phương có mức tăng trưởng khá cao như: Bắc Giang (cao nhất cả nước với mức tăng trưởng là 13,85%), Phú Thọ (9,53%), Tuyên Quang (9,04%).
Thu ngân sách Nhà nước toàn vùng năm 2024 khoảng 89,243 nghìn tỷ đồng (tăng 13% so với dự toán Trung ương giao), góp phần cùng cả nước vượt thu ngân sách khoảng 300 nghìn tỷ đồng… đây là con số kỷ lục. Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu (đến hết tháng 11 năm 2024) đạt trên 72 tỷ USD.
Phó Thủ tướng nêu các khó khăn của vùng như: Số xã đạt chuẩn nông thôn mới quốc gia của toàn vùng là 1.043 xã, đạt tỉ lệ khoảng 51,8%, thấp nhất so với các vùng của cả nước (bình quân cả nước đạt khoảng 78%); tỉ lệ nghèo đa chiều của vùng giảm khá nhưng vẫn ở mức cao nhất cả nước với 15,1% (trong đó tỉ lệ nghèo và cận nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số còn cao, ở mức 29,6%); tổng số hộ nghèo và hộ cận nghèo đa chiều là 480 nghìn hộ.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh đây là những chỉ tiêu toàn vùng phải tập trung chỉ đạo, triển khai các biện pháp khắc phục để mọi người dân phải được hưởng thành quả của sự phát triển chung của cả nước.
Về nhiệm vụ, giải pháp, trước hết các tỉnh phải đổi mới tư duy. Phải có tư duy mới mới có cách làm mới để thúc đẩy tăng trưởng, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng cho biết, Trung ương đang tích cực sửa đổi thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật để tháo gỡ vướng mắc; quyết liệt sắp xếp, đổi mới, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế để 2025 thực sự là một năm tăng tốc, bứt phá, bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình.
Thời gian tới đất nước phải phát triển nhanh, toàn diện, thời kỳ của chuyển đổi số, kinh tế số, kinh tế xanh,… Do đó, các tỉnh trong vùng phải nhận định rõ khó khăn, vướng mắc, tiềm năng của vùng để có giải pháp khắc phục, triển khai thực hiện hiệu quả.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh các tiềm năng về du lịch, khoáng sản, dược liệu,… nhất là vị trí chiến lược của vùng cần tập trung phát triển.
Theo đó, để đánh thức các tiềm năng, Phó Thủ tướng đề nghị các tỉnh trong vùng phải quyết liệt tăng tốc, bứt phá, tạo quy mô kinh tế cao; dồn lực tập trung phát triển các dự án trọng điểm của tỉnh, của vùng và liên vùng một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất. Đặc biệt cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại trong phát triển giao thông. Trung ương sẽ hỗ trợ tối đa để vùng phát triển các dự án trọng điểm.
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành theo chức năng nhiệm vụ được giao sớm hoàn thiện các cơ chế về thị trường carbon.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng gợi mở các tỉnh đẩy mạnh phát triển khác khu công nghiệp gắn với kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược và xây dựng vùng nguyên liệu trọng điểm.
Đồng thời, triển khai các giải pháp đồng bộ, hiệu quả để phát triển đội ngũ doanh nghiệp, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh; tập trung phát triển kinh tế hộ, hợp tác xã, gắn với phát triển các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm để xóa đói giảm nghèo. “Mỗi mô hình liên kết hiệu quả cũng giống như một ngôi sao. Một bức tranh có nhiều ngôi sao cùng tỏa sáng sẽ tạo ra bức tranh đẹp”, Phó Thủ tướng bày tỏ.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị các tỉnh trong vùng quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc các dân tộc; triển khai các giải pháp cảnh báo, “phòng vệ chủ động để ứng phó sạt lở, mưa lũ.
Phó Thủ tướng cũng đồng tình với kiến nghị của các tỉnh là cần phải có chính sách đặc thù cả về phân cấp, phân quyền, tăng thêm nguồn lực cho “vùng trũng” vươn lên. Ông giao tỉnh Hòa Bình chủ trì, phối hợp với các địa phương trong vùng nghiên cứu, xây dựng đề án, đề xuất hội đồng cơ chế đặc thù cho vùng để trình các cấp thẩm quyền xem xét, quyết định.
Trần Mạnh