(Chinhphu.vn) – Chiều 12/1, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước tiến hành Phiên họp trực tuyến toàn quốc thứ 2 ở cả 4 cấp. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp.
Cùng dự và chủ trì hội nghị tại điểm cầu Chính phủ có đồng chí Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.
Phiên họp có sự tham dự của đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành liên quan và kết nối trực tiếp tới tất cả điểm cầu địa phương ở 4 cấp trên toàn quốc.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc phiên họp.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, cách đây 2 tháng (ngày 10/11/2024), tại phiên họp thứ nhất, Ban Chỉ đạo đã thống nhất mục tiêu, quan điểm, định hướng, phương thức, cách làm và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban Chỉ đạo và các bộ, cơ quan, địa phương.
Ngay sau Phiên họp thứ nhất, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo ban hành Thông báo Kết luận số 523 ngày 16/11/2024, đồng thời có Công điện số 117 ngày 18/11/2024, trong đó yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan, Chủ tịch UBND các địa phương tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp đẩy mạnh triển khai xoá nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước.
Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá để về đích, phải rà soát, thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025; đồng thời là năm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước (kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng, 80 năm ngày thành lập nước, 50 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, 80 năm ngày truyền thống Công an nhân dân); tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV.
Thủ tướng nhấn mạnh, việc thực hiện thành công Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước trong năm 2025 mang lại nhiều ý nghĩa quan trọng, hiện thực hóa chủ trương, đường lối của Đảng; thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân; không hy sinh tiến bộ, công bằng, môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần, “không để ai bị bỏ lại phía sau”; thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta: “lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều”, “tình dân tộc, nghĩa đồng bào”; thể hiện sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, sáng tạo của các bộ, ngành, địa phương trong việc huy động các nguồn lực và tổ chức triển khai thực hiện Chương trình với tinh thần ai có gì giúp nấy, ai có ít giúp ít, ai có nhiều giúp nhiều, ai có của giúp của, ai có công giúp công; thể hiện sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các địa phương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội (Đoàn thanh niên, Công đoàn, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh… và nhất là lực lượng Công an, Quân đội). Chương trình cũng có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thiết thực, thi đua lập thành tích chào mừng các sự kiện trọng đại của đất nước trong năm 2025.
Thủ tướng cho biết, từ Phiên họp thứ nhất đến nay, sau 2 tháng, chúng ta đã hoàn thành, bàn giao hơn 44 nghìn căn nhà và đang xây dựng 34,2 nghìn căn. Từ nay đến cuối năm còn khoảng 240 nghìn căn phải hoàn thành, trong khi thời gian triển khai rất gấp (còn lại trên dưới 350 ngày). Vì vậy, phải tập trung triển khai đợt cao điểm 350 ngày đêm thực hiện thành công Chương trình trong năm 2025, bảo đảm kịp tiến độ và chất lượng. Thủ tướng đề nghị VTV và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thực hiện chương trình “đếm ngược hàng tuần” để công bố số liệu thực hiện hàng tuần.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận thẳng thắn, trách nhiệm, có trọng tâm, trọng điểm, đánh giá thực trạng tình hình triển khai Chương trình tại các bộ, cơ quan, địa phương, nơi nào làm tốt với kinh nghiệm quý, bài học hay, nơi nào làm chưa tốt, do nguyên nhân nào; làm rõ những khó khăn, vướng mắc (như xác định đối tượng hỗ trợ, đất đai, nguồn lực, sử dụng nguồn tiết kiệm 5% chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2024; thủ tục, quy trình thực hiện…); các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá, mạnh mẽ để bảo đảm hoàn thành Chương trình trong năm 2025 trên tinh thần 5 rõ: “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả”.
Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung: Qua các cuộc thăm, tặng quà của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng như báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã phối hợp đi kiểm tra thực tế một số địa bàn trên cả nước về triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước, cho thấy: Thời gian qua, sau phát động của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương đã triển khai rất quyết liệt vấn đề này.
Tại Hội nghị tổng kết năm 2024 của Chính phủ, nhiều địa phương báo cáo kết quả đạt được, khẳng định quyết tâm chính trị lớn, việc làm mang tính lịch sử có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, nhất là trong dịp chúng ta đang tiến tới kỷ niệm 80 năm Quốc khánh. Hiện nay, hầu hết các địa phương đang phấn đấu dịp đại hội Đảng bộ tỉnh sẽ hoàn thành, trừ một số địa phương đặt mục tiêu đến cuối năm 2025. Nếu hoàn thành trước ngày 31/12/2025, chúng ta sẽ về đích trước 5 năm so với Nghị quyết Trung ương số 42.
Kể từ khi Thủ tướng phát động ngày 5/10/2024 đến nay, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương đã ban hành 16 văn bản đôn đốc, triển khai, hướng dẫn triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước. Đến nay, gần 100% huyện, xã đã thành lập Ban Chỉ đạo do đồng chí Bí thư cấp uỷ làm trưởng ban, nhiều địa phương đã xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai phát động huy động toàn xã hội chung tay xoá nhà tạm, nhà dột nát cùng sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc các cấp.
Đến nay, các cơ quan Trung ương và địa phương đã hoàn thành 19/26 nhiệm vụ được Thủ tướng giao. 58 tỉnh đã thành lập ban chỉ đạo, 5 tỉnh không thành lập ban chỉ đạo do địa phương không còn nhà tạm, nhà dột nát gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, TPHCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, nhưng các địa phương này vẫn tổ chức rà soát tổng thể. 32 địa phương ban hành quy chế hoạt động của ban chỉ đạo cấp tỉnh, 474 huyện thành lập ban chỉ đạo cấp huyện, 6.054 xã thành lập ban chỉ đạo cấp xã. 50 địa phương ban hành kế hoạch triển khai công tác, 1 địa phương ban hành quyết định phê duyệt yêu cầu xoá nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn, 31 địa phương tổ chức phát động xoá nhà tạm, nhà dột nát. Kinh phí huy động 2.316 tỷ đồng.
Đến nay, đã có 12 địa phương đã nhận được hỗ trợ từ các cơ quan, đơn vị, ngân hàng, doanh nghiệp, với kinh phí 1.370 tỷ đồng: Hà Giang, Bắc Giang và một số địa phương đã huy động gần 90.000 ngày công hỗ trợ bà con xoá nhà tạm, nhà dột nát.
Số liệu đến hết ngày 11/1, cả nước đã hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát được 88.488 căn (trong đó 48.989 căn nhà đã khánh thành và khởi công mới 35.899 căn nhà).
Tết Nguyên đán 2025, dự kiến có nhiều hộ được đón tết trong ngôi nhà mới và có nhiều gia đình sẽ tiếp tục được nhận ngôi nhà khang trang.
Đặc biệt, chương trình hỗ trợ xây dựng, cải tạo nhà ở người có công theo Quyết định 21 của Thủ tướng khi chưa được triển khai cấp kinh phí, nhưng một số địa phương, một số tỉnh đã ứng kinh phí để triển khai 5.196 căn cho người có công để kịp đón tết.
Một số địa phương rất khó khăn như Hà Giang, qua kiểm tra đã khởi công mới và khánh thành trên 2.000 căn cho người nghèo trước Tết, chiếm 71% căn nhà cần hỗ trợ. 4 địa phương hoàn thành sớm hơn 1 năm so với mục tiêu của địa phương và Trung ương, 1 địa phương quyết tâm hoàn thành vào ngày 3/2/2025 là Bắc Ninh, 7 địa phương sẽ hoàn thành trong quý II/2025. 12 địa phương chậm nhất là quý III/2025, một số địa phương cũng chủ động vận động nguồn lực lớn như Nghệ An là 843 tỷ, Quảng Ngãi 242 tỷ đồng, Thanh Hoá 222 tỷ đồng…
Bộ Quốc phòng đi đầu trong huy động nguồn lực hỗ trợ kinh phí xây dựng 9.200 căn nhà, với số tiền là 460 tỷ đồng cho 5 địa phương (Quảng Trị, Hà Giang, Hà Tĩnh, Lào Cai và Nghệ An); hoàn thành chuyển kinh phí (400 tỷ đồng) cho địa phương; đồng thời hỗ trợ kinh phí xây dựng 13.120 căn “Nhà Đồng đội” và “Nhà Đại đoàn kết”.
Các đơn vị đã chuyển đủ kinh phí theo đúng cam kết với Thủ tướng là Bộ Quốc phòng, các doanh nghiệp Bộ Quốc phòng, UBND TP. Hà Nội, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Masan, Ngân hàng Agribank, VP Bank, Ngân hàng Sài Gòn-Hà Nội…
Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề như: Một số địa phương tuy triển khai kế hoạch xây dựng, ban hành quyết định triển khai của Ban Chỉ đạo nhưng quá trình tổ chức rất chậm, thậm chí có đơn vị chưa xây dựng kế hoạch, chưa tổ chức phát động. Một số địa phương chưa huy động nguồn lực trên địa bàn, đang còn trông chờ hỗ trợ của Trung ương, chưa chủ động, quyết liệt mặc dù trong kết luận của Thủ tướng nêu rất rõ. Một số nhà đầu tư và địa phương chưa thống nhất quá trình triển khai, thậm chí nhà đầu tư chậm, địa phương không chủ động mà chờ nhà đầu tư.
Như Thủ tướng trong phát động đã nói, đây là chương trình mang ý nghĩa nhân văn, cao cả, do đó, đề nghị các địa phương chưa thành lập Ban chỉ đạo, chưa ban hành kế hoạch, chưa tổ chức triển khai phải khẩn trương triển khai ngay trong tuần sau.
Thứ hai, đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính khẩn trương phân bổ kinh phí 5% tiết kiệm chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2024. Đối với chương trình người có công, khẩn trương triển khai ngay. Đối với chương trình dành cho đồng bào dân tộc thiểu số, sau khi có quyết định của Thủ tướng, đề nghị điều chỉnh theo quy định. Sau cùng, các địa phương và nhà tài trợ đã cam kết ngày 5/10/2024 cần khẩn trương làm việc với nhau để nếu có khó khăn vướng mắc báo cáo lại Bộ, báo cáo Thủ tướng.
Quyền Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Nguyễn Mạnh Dũng: Tại Hà Giang, tổng số hộ cần hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát là 10.688 hộ và sau 2 tháng triển khai thực hiện, tỉnh đã triển khai được 2.175 nhà, trong đó có 2.009 nhà xây mới, 166 nhà sửa chữa và đến thời điểm hiện nay đã hoàn thành, đưa vào sử dụng 649 nhà; trước Tết Nguyên đán sẽ hoàn thành 1.532 nhà. Lãnh đạo tỉnh Hà Giang cam kết trong năm 2025 sẽ hoàn thành trên 10.000 nhà.
Qua triển khai thực hiện, tỉnh rút ra một số nội dung: Thứ nhất, đã thực hiện tốt quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội, cộng đồng hỗ trợ và người dân làm chủ”. Quan điểm, phương châm này được quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc nên đạt được kết quả rất tốt. Thứ hai, tỉnh thành lập ban chỉ đạo 3 cấp, mời tất cả bí thư huyện ủy, thành ủy tham gia ban chỉ đạo cấp tỉnh; tất cả bí thư đảng ủy cấp xã tham gia ban chỉ đạo cấp huyện; tất cả bí thư chi bộ các thôn tham gia ban chỉ đạo cấp xã. Như vậy, sự chỉ đạo kịp thời và rất sát sao. Thứ ba, tỉnh chỉ đạo bài bản, phân bổ chỉ tiêu tới các thôn, xã, huyện cụ thể và hằng tuần có kiểm tra, giám sát việc chỉ đạo các chỉ tiêu này, đồng thời thực hiện đúng “5 rõ” mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo.
Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Đức Trung: Tỉnh Nghệ An địa bàn rộng, dân số đông, tỉ lệ hộ nghèo cao. Trong những năm qua, tỉnh rất quan tâm huy động nguồn lực để xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân. Ngay từ đầu năm 2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xác định mục tiêu trong giai đoạn 3 năm 2023 – 2025 hoàn thành việc xây dựng, hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh.
Để thực hiện những việc này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị, thành lập Ban chỉ đạo 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) và huy động toàn bộ hệ thống chính trị vận động, huy động nguồn lực thực hiện. Kết quả hai năm vừa qua, đến thời điểm này, Nghệ An đã hoàn thành trên 12.000 căn nhà, bao gồm xây mới trên 10.000 căn và sửa chữa trên 2.000 căn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Tổng kinh phí nguồn lực huy động được là 843 tỷ.
Thời gian qua, Nghệ An tiếp tục đẩy mạnh việc huy động nguồn lực để thực hiện chương trình này theo chỉ đạo của Thủ tướng. Chúng tôi thấy rằng, để có thể thực hiện được chương trình này thành công, phải có sự tham gia của cấp ủy và đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy các cấp, thành lập Ban Chỉ đạo 3 cấp, xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể và giao nhiệm vụ cụ thể, nắm rõ sự chỉ đạo của Thủ tướng và thường xuyên có kiểm tra, giám sát; đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của các cơ quan Trung ương, các địa phương và doanh nghiệp.
Thời gian tới, Nghệ An rà soát các nhiệm vụ và số lượng nhà tạm nhà dột nát cần phải hoàn thành trong năm 2025. Đến thời điểm này, còn khoảng 5.319 căn cho hộ nghèo, cận nghèo sẽ phải thực hiện, trong đó đang xây dựng 1.089 căn và còn 4.230 căn đã xác định được các nguồn như: Nguồn xã hội hóa huy động từ bên ngoài, nguồn của Trung ương hỗ trợ theo chương trình của Ban Chỉ đạo Trung ương và nguồn từ ngân sách của tỉnh.
Ngoài ra, chúng tôi còn 3.970 căn cho người có công và sẽ sử dụng nguồn ngân sách tỉnh để hoàn thành trong năm 2025. Chúng tôi xác định trước ngày 31/8/2025, sẽ hoàn thành toàn bộ số lượng nhà cần thực hiện trong năm 2025.
Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Nguyễn Doãn Anh: Tỉnh Thanh hóa đã tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm túc các kết luận của Ban Chỉ đạo Trung ương, Thủ tướng Chính phủ, các văn bản của bộ, ngành, cơ quan Trung ương; đặc biệt là kết luận tại Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo Trung ương, Công điện số 117 và Chỉ thị số 45 của Thủ tướng Chính phủ.
Thứ hai, tỉnh chủ động, kịp thời thành lập ban chỉ đạo các cấp, từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã. Đồng thời, ban hành kế hoạch hành động triển khai chương trình của tỉnh theo tinh thần hành động của Trung ương là “5 rõ” và kế hoạch kiểm tra, giám sát thường xuyên.
Thứ ba, tỉnh đã phát động cuộc vận động ủng hộ xóa nhà tạm, nhà dột nát theo 2 đợt. Đợt 1 vận động được 226 tỷ đồng; đợt 2 vận động được 172 tỷ đồng; tổng cả hai đợt được 398 tỷ đồng và tiếp tục có thư kêu gọi của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa.
Thứ tư, tỉnh thường xuyên rà soát, cập nhật tình hình, tiếp nhận hỗ trợ từ Trung ương, huy động nguồn lực xã hội của địa phương để triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, tổng số nhà tạm, nhà dột nát trên toàn tỉnh Thanh Hóa là 13.769 hộ; số nhà đã khởi công, khánh thành 4.082 nhà, đạt 30% với số tiền 226 tỷ đồng. Số còn lại là 9.687 nhà, trong đó phải xây mới 6.238 nhà; sửa chữa 3.449 nhà.
Tổng kinh phí cần có trong năm 2025 để thực hiện chương trình là 602,51 tỷ đồng. Trong đó, từ nguồn ngân sách nhà nước theo các chương trình là 133,96 tỷ đồng, chiếm 22,2% tổng kinh phí. Số phải huy động tiếp là 468,55 tỷ đồng, bằng 78,8% tổng kinh phí.
Có thể thấy nguồn ngân sách của Trung ương là rất quan trọng nhưng nguồn vận động của địa phương cũng chiếm tỉ lệ lớn. Đến nay, tỉnh đã vận động trên địa bàn được 380 tỷ đồng, bằng 81% kinh phí theo yêu cầu.
Bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh vẫn còn một số khó khăn. Cụ thể, đây là chương trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, triển khai quy mô toàn tỉnh trong thời gian ngắn trong khi Thanh Hóa có diện tích rộng, nhiều địa bàn đi lại khó khăn, số lượng nhà tạm, nhà dột nát còn lớn, cần phải xây mới, sửa chữa gần 10.000 căn, số tiền cần huy động lớn.
Thời gian tới, Thanh Hóa xác định xóa toàn bộ nhà tạm, nhà dột nát theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương với tinh thần: Dù bất cứ địa phương nào, công tác triển khai khó khăn đến mấy cũng quyết tâm hoàn thành trong năm 2025 theo đúng tinh thần của Ban chỉ đạo Trung ương về triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân: Sau khi Chính phủ phát động chương trình trình xoá nhà tạm, nhà dột trên cả nước, Quảng Ngãi đã chủ động thành lập ban chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ này.
Từ đầu năm 2021 đến nay, Quảng Ngãi có 10.851 căn nhà cần sửa chữa, xây dựng mới. Hiện, Quảng Ngãi đã xây dựng, sửa chữa được 4.024 căn, hiện còn 6.827 căn nhà cần xây dựng mới và sửa chữa (xây dựng mới 4.370 căn, sửa chữa 2.457 căn).
Quảng Ngãi đã vận động được 242 tỷ đồng (trong đó tỉnh Bình Dương hỗ trợ cho Quảng Ngãi 90 tỷ đồng, Tập đoàn Hoà Phát hỗ trợ 50 tỷ đồng, Tập đoàn Dầu khí hỗ trợ 50 tỷ đồng, Ngân hàng BIDV 30 tỷ đồng và nguồn vận động toàn tỉnh là 42 tỷ đồng) đủ để Quảng Ngãi thực hiện nhiệm vụ này.
Quảng Ngãi cũng thực hiện đúng định mức nhà xây mới 60 triệu đồng, sửa chữa 30 triệu đồng. Tuy nhiên, chúng tôi có cách làm là: Nhà giá trị hơn 100 triệu đồng, chúng tôi dân vận để giá trị tiền công xây dựng là 0 đồng, còn giá trị xây dựng thật là 60 triệu đồng.
Quảng Ngãi đã và đang quyết tâm thực hiện nhiệm vụ này. Chúng tôi cam kết với Thủ tướng Chính phủ sẽ hoàn thành nhiệm vụ xoá nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thiên Văn: Tính đến cuối năm 2024, Đắk Lắk đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Số hộ nghèo giảm còn 34.434 hộ, chiếm 6,38% tổng số hộ dân, giảm 2,77% so với năm 2023 và giảm đáng kể so với năm 2000. Bên cạnh đó, số hộ cận nghèo cũng giảm xuống còn 27.651 hộ, tương đương 5,12%. Những kết quả này cho thấy nỗ lực không ngừng của tỉnh trong việc thực hiện các chương trình hỗ trợ, xóa đói giảm nghèo.
Về thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng khó khăn, từ năm 2021 đến hết tháng 12/2024, Đắk Lắk đã tập trung xây mới và sửa chữa 5.649 căn nhà cho các đối tượng, bao gồm người có công, hộ nghèo và các gia đình có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở. Tổng kinh phí thực hiện đạt hơn 284 tỷ đồng.
Trong đó, tỉnh đã xây mới 4.012 căn nhà và sửa chữa 1.637 căn nhà. Đến tháng 5/2024, địa phương đã hoàn thành việc xây dựng 1.552 căn nhà, góp phần đáng kể vào việc cải thiện đời sống cho các đối tượng khó khăn.
Trong giai đoạn này, tỉnh Đắk Lắk phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, cá nhân để xây dựng thêm 1.200 căn nhà cho các hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn, góp phần triển khai chính sách hỗ trợ nhà ở cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng huy động nguồn lực xã hội hóa để sửa chữa và cải thiện 352 căn nhà với tổng kinh phí trên 23 tỷ đồng.
Triển khai thực hiện các nội dung chỉ đạo của Trung ương, tỉnh Đắk Lắk đã xây dựng kế hoạch và tổ chức phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên địa bàn tỉnh.
Đến nay, tỉnh đã huy động được tổng cộng 370 tỷ đồng để thực hiện chương trình. Trong đó, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam đã hỗ trợ 100 tỷ đồng, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á châu (ACB) đóng góp 80 tỷ đồng, Techcombank 100 tỷ…
Qua rà soát và thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có tổng cộng 10.468 hộ gia đình có nhu cầu xây mới hoặc sửa chữa nhà ở. Trong số này, có 1.907 hộ chưa thuộc diện được hỗ trợ theo các chính sách hiện hành của nhà nước.
Đặc biệt, có 5.561 hộ nghèo và cận nghèo vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ, do một số hạn chế trong việc đáp ứng điều kiện hoặc triển khai thực hiện chính sách.
Tại Đắk Lắk, vẫn còn tồn tại những khó khăn và hạn chế cần được khắc phục trong thời gian tới. Thứ nhất, trong quá trình triển khai hỗ trợ nhà ở, hiện vẫn còn hai nội dung đang chậm tiến độ. Cụ thể, việc ban hành quyết định hỗ phê duyệt hộ nghèo và hộ cận nghèo khó khăn về nhà ở. Thứ hai là kế hoạch xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đến năm 2025.
Lý do là tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan liên quan phúc tra toàn diện hộ nghèo và hộ cận nghèo để đánh giá chính xác số đối tượng cần hỗ trợ. Qua phúc tra, giảm 1.198 hộ không đáp ứng các điều kiện theo quy định. Trên cơ sở đó tỉnh mới phê duyệt được kế hoạch triển khai và sẽ hoàn thành 2 việc trên chậm nhất vào ngày 15/1.
Một vướng mắc nữa là một số hộ gia đình thuộc đối tượng hỗ trợ, lại gặp khó khăn vì đất ở hoặc đất sử dụng chưa được cấp giấy chứng nhận, dẫn đến những vướng mắc trong quá trình triển khai.
Mặc dù còn nhiều khó khăn cần giải quyết nhưng tỉnh cam kết với Ban Chỉ đạo Trung ương, Thủ tướng Chính phủ đặt mục tiêu sẽ hoàn thành nhiệm vụ xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025.
Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường: Sau khi Thủ tướng phát động chương trình, Lào Cai đã tổ chức nghiêm túc vì đây là vấn đề rất thiết thực và có ý nghĩa đối với công tác giảm nghèo cũng như hướng đến các ngày kỷ niệm lớn của đất nước trong năm 2025.
Ngay sau phát động, Tỉnh uỷ Lào Cai đã ban hành nghị quyết và UBND tỉnh ban hành đề án và kế hoạch hỗ trợ cho người nghèo, hộ nghèo và người có công trên địa bàn.
Chúng tôi cũng có cách làm riêng như giao Công an tỉnh thành lập 9 đoàn công tác rà soát toàn bộ hộ nghèo và hộ cận nghèo để có chính sách hỗ trợ cho các hộ dân. Tinh thần chung là khi khánh thành, bàn giao bất cứ nhà nào hoàn thành, chúng tôi trực tiếp trao sổ đỏ cho các hộ dân. Đến nay tỉnh không có vướng mắc gì về cấp sổ đỏ cho các hộ dân. Đến thời điểm hiện tại, tỉnh có 11.000 căn nhà của các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ người có công; từ khi Thủ tướng phát động, chúng tôi đã hoàn thành hơn 5.200 căn nhà.
Chúng tôi cũng đã triển khai xây nhà cho người có công, bảo đảm trước Tết Nguyên đán hoàn thành tất cả.
Tháng 9 vừa qua, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, chúng tôi đã giao Công an tỉnh thống kê toàn bộ số nhà ở bị đổ nát hoàn toàn cũng như phải di rời khẩn cấp. Tổng số là 3.800 căn nhà, trong đó có 700 căn hỗ trợ làm mới và sửa chữa hơn 800 căn, có hơn 2.300 hộ phải di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Với sự ủng hộ của Thủ tướng, các bộ, ngành, nhà hảo tâm, trước Tết Nguyên đán, chúng tôi đã hoàn thành xây mới 700 ngôi nhà, hỗ trợ sửa chữa khoảng 800 ngôi nhà, đối với 2.300 căn nhà phải do rời khỏi khu vực nguy hiểm, chúng tôi đã di chuyển hơn 900 căn.
Với sự quyết tâm chính trị cao, chúng tôi cam kết trước ngày 30/6/2025 sẽ hoàn thành toàn bộ mục tiêu về xoá nhà tạm, nhà dột nát để chào mừng đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng lần thứ XIV, cũng như các sự kiện trọng đại của đất nước.
Trong quá trình thực hiện, chúng tôi rút ra một số kinh nghiệm như sau:
Thứ nhất, phải có sự lãnh đạo của Đảng. Trong công điện của Thủ tướng đã yêu cầu đồng chí Bí thư tỉnh uỷ là trưởng ban chỉ đạo. Đây là nội dung rất quan trọng để huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc.
Thứ hai, phải làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, huy động được sự hỗ trợ của cộng đồng.
Thứ ba, chia sẻ cách làm hay, đặc biệt là ở cơ sở.
Thứ tư, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu để kịp thời biểu dương cũng như phê bình.
Cuối cùng, những nơi khó khăn cần sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang, đặc biệt là lực lượng công an, quân đội.
Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình: Kiên Giang đã nghiêm túc triển khai thực hiện Chỉ thị 42/CT-TTg của Thủ tướng và các thông báo, công điện, công văn chỉ đạo của Thủ tướng về xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước.
Sau chủ trương của Chính phủ, Kiên Giang đã thành lập ban chỉ đạo từ tỉnh đến xã, hoàn thành vào đầu tháng 11/2024. Trước khi thực hiện chủ trương này, chúng tôi đã rà soát việc thực hiện các chính sách, các đối tượng trong chương trình mục tiêu quốc gia. Sau khi rà soát, chúng tôi đã thực hiện xây dựng nhà ở cho hộ chính sách có khó khăn về nhà ở. Sau đó, chúng tôi tiếp tục rà soát số hộ, số nhà, hộ khó khăn, hộ nghèo, hộ cận nghèo. Kiên Giang hiện nay có 2.314 hộ đủ điều kiện để cấp nhà, trong đó có 480 hộ cần sửa chữa nhà. Sau khi thống kê xong, chúng tôi chỉ đạo triển khai thực hiện.
Chúng tôi tập trung vận động, huy động, tổng kinh phí vừa vận động, vừa ngân sách địa phương được 150 tỷ, bảo đảm cho việc thực hiện các căn nhà đã khảo sát, thống kê. Đồng thời, chúng tôi tổ chức lễ phát động triển khai thực hiện phong trào.
Đến nay, chúng tôi đã thực hiện được 990 căn và sửa chữa trên 324 căn, chiếm tỉ lệ khoảng 43% tổng số nhà dự định xây dựng, bảo đảm từ nay đến Tết bà con hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhà mới vui xuân đón tết.
Tỉnh đã phát động, quán triệt tinh thần, phương châm của Thủ tướng là “ai có công giúp công, ai có của giúp của, ai có nhiều giúp nhiều, ai có ít giúp ít”, bảo đảm tinh thần công khai, minh bạch, đúng quy định, không để xảy ra lãng phí, thất thoát. Chúng tôi quyết tâm đến ngày 30/6/2025 hoàn thành việc xây dựng nhà trên địa bàn tỉnh.
Bí Thư Tỉnh ủy Bắc Kạn Hoàng Duy Chinh: Tỉnh Bắc Kạn xác định đây là một chủ trương lớn, trúng và đúng với mong muốn của người dân, đặc biệt là đối với các địa phương còn nhiều khó khăn như tỉnh Bắc Kạn.
Bắc Kạn hiện có hơn 12.000 hộ khó khăn về nhà ở, trong đó có hơn 5.000 hộ là nhà dột nát, còn lại là thiếu về diện tích và chất lượng nhà ở. Trong những năm qua, tỉnh đã rất cố gắng. Với sự giúp đỡ của Trung ương, các địa phương bạn và các nhà hảo tâm, cộng đồng doanh nghiệp, tỉnh Bắc Kạn năm 2024 đã xóa được hơn 1.800/5.000 căn nhà và tháng 8/2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết về việc tập trung xóa nhà dột nát, quyết tâm phấn đấu đến hết năm 2025 sẽ xóa xong 3.931 căn nhà dột nát còn lại. Tỉnh cũng đã thành lập các Ban chỉ đạo từ tỉnh đến huyện và tập trung chỉ đạo rà soát các số liệu; giao đồng chí Bí thư huyện ủy chịu trách nhiệm về số liệu chính xác của địa phương mình.
Bắc Kạn còn hơn 3.900 căn nhà, trong đó 3.428 căn cần phải làm mới và sửa chữa 503 căn nhà, chưa kể hơn 550 căn nhà cần phải di dời do ảnh hưởng của bão số 3. Do vậy Bắc Kạn đề nghị Trung ương tiếp tục quan tâm hỗ trợ về kinh phí.
Tỉnh Bắc Kạn đã báo cáo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội số liệu vào ngày 19/12/2024. Số chi phí thiếu khoảng 120 tỷ đồng. Bắc Kạn trân trọng đề nghị Thủ tướng, các bộ, ngành Trung ương, các địa phương, các nhà hảo tâm tiếp tục quan tâm hỗ trợ đối với tỉnh Bắc Kạn.
Bắc Kạn kiến nghị Trung ương cho phép chuyển nguồn kinh phí khắc phục hậu quả cơn bão số 3 để tập trung cho việc xóa nhà dột nát. Kinh phí khắc phục hậu quả cơn bão số 3 do một số địa phương hỗ trợ Bắc Kạn nhưng hiện nay việc này cơ bản đã ổn định, nên Bắc Kạn đề nghị được chuyển nguồn kinh phí này sang thực hiện xóa nhà dột nát.
Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng: Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, “nhà một trăm đồng”… đã có từ lâu, từ khoảng vài chục năm nay. Chúng tôi xác định, ở địa phương nào, đơn vị nào đứng chân đều phải làm việc này. Đây là xây dựng thế trận lòng dân và tạo điều kiện xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc.
Quảng Trị là nơi chúng tôi giúp nhiều nhất tính theo thời gian; năm nào chúng tôi cũng đến vì 81 ngày đêm Thành cổ Quảng Trị năm 1972, rất nhiều đơn vị của Quân đoàn 1 tham gia chiến đấu ở đây, rất nhiều Anh hùng lực lượng vũ trang của Quân đoàn 1 được phong danh hiệu này ở đây. Có những đồng chí Anh hùng lực lượng vũ trang được ví như “Triệu Tử Long của Thành cổ”, trong đó có Thủ trưởng của tôi, nay đã mất. Ông là Đại tá trước khi nghỉ hưu, người Bình Định. Trong chiến đấu tại Thành cổ, ông Trung đoàn phó, Tham mưu trưởng. Chính vì thế, chúng tôi quay lại Quảng Trị nhiều lần.
Thứ hai, có những câu thơ chúng ta luôn nhắc mãi:
“…Đò qua Thạch Hãn xin chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm…”
Có đồng chí Trung tướng (năm nay đã xấp xỉ 80 tuổi) kể lại rằng: “Khi Tiểu đoàn tôi vào có 395 người, sau 3 ngày chiến đấu, còn 25 người, mà cũng không còn nguyên vẹn”.
Chính vì thế, khi Thủ tướng Chính phủ phát động, Thường vụ Quân ủy Trung ương họp và quyết định cùng các doanh nghiệp do Quân đội chỉ đạo trực tiếp, hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát, theo đúng quy định của pháp luật.
Trong 13.200 ngôi nhà trong báo cáo nêu, chúng tôi xác định là nhân dịp 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, sẽ xóa 8.000 ngôi nhà tạm, nhà dột nát. Khi dự họp Quân ủy Trung ương, Thủ tướng có nói các đồng chí có thể làm đến 16.000 ngôi nhà cũng được và chúng tôi đã rất quyết tâm. Đến lúc có phong trào do Thủ tướng phát động, chúng tôi đóng góp tiền và thực hiện được 13.000 ngôi nhà, tăng được 5.000 ngôi nhà trong dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.
Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương, lãnh đạo Bộ Quốc phòng đã nói, tiền chỉ để dành mua vật liệu xây dựng, còn công chúng tôi chịu, vật liệu chúng tôi chuyển, làm ngày, làm đêm như Thủ tướng đã giao nhiệm vụ đến 31/12 thực hiện xong. Tính ra chúng tôi được giao làm trong 3 tháng, tuy nhiên chúng tôi chỉ làm trong 70 ngày, vượt tiến độ 20 ngày; chúng tôi đã “3 ca, 4 kíp” thực hiện việc này.
Cùng với cả nước khắc phục cơn bão số 3, Bộ Quốc phòng giúp 9 tỉnh của Quân khu 2 và 6 tỉnh của Quân khu 1 (tổng 15 tỉnh) trên 100 tỷ đồng để xây dựng cụm bản như một số địa phương đã báo cáo (Cao Bằng, Bắc Kạn, Lào Cai, một số tỉnh dọc biên giới…)
Rõ ràng sự chung tay của mọi cấp, mọi ngành, của tất cả các lực lượng, kể cả đồng bào miền Nam giúp miền Bắc, cả người dân ở Tây Nguyên cũng giúp miền Bắc khắc phục hậu quả cơn bão số 3 rất ý nghĩa.
Tôi rất mong chúng ta tiếp tục chung tay thực hiện tốt nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ đã phát động. Các công việc tiếp theo, Bộ Quốc phòng cùng với các lực lượng khác sẽ tiếp tục triển khai thực hiện tốt nhất.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng: Ngân hàng Nhà nước nhận thấy chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát là chương trình rất nhân văn, có nhiều ý nghĩa thiết thực và ngành ngân hàng rất tích cực hưởng ứng thực hiện chương trình này. Ngay từ ngày đầu phát động, ngành ngân hàng đã hưởng ứng 220 tỷ đồng, đợt 2 ngành ngân hàng cũng đã hưởng ứng giá trị 1.000 tỷ đồng. Chúng tôi vẫn đang động viên, vận động các ngân hàng khác tiếp tục tham gia.
Đến nay, số tiền đợt đầu 220 tỷ đồng đã giải ngân được 124 tỷ đồng, đợt 2 giải ngân 450/1.000 tỷ đồng. Số còn lại đã được phân bổ cho các địa phương hoàn thành thủ tục giải ngân. Năm 2025, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục kêu gọi các tổ chức tín dụng trong hệ thống tích cực tham gia chương trình và động viên các công đoàn viên đóng góp để có thêm nguồn tài chính xoá nhà tạm, nhà dột nát.
Trong khuôn khổ Hội nghị, Ngân hàng Nhà nước kiến nghị Bộ Tài chính sớm có hướng dẫn đối với các khoản chi tài trợ được trừ đi phần thu nhập chịu thuế.
Ngân hàng Nhà nước cam kết sẽ tiếp tục tham gia chương trình nhân văn này để làm sao cuối năm nay sẽ thực hiện được đúng mục tiêu đề ra.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng: Bộ Tài chính được giao chủ trì phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành và cơ quan liên quan trình cấp có thẩm quyền sớm phân bổ kinh phí năm 2025, nhằm hỗ trợ các chương trình mục tiêu quốc gia, cụ thể là Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021–2025 và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, để các địa phương triển khai thực hiện.
Theo cơ chế đã được phê duyệt, Bộ Tài chính chủ trì việc bố trí kinh phí sự nghiệp liên quan đến các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững. Vừa qua, Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội thông qua dự toán ngân sách nhà nước cũng như phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2025. Hiện tại chúng ta chưa có phương án phân bổ chi tiết. Tuy nhiên, Quốc hội đã phê duyệt tổng mức kinh phí để triển khai thực hiện. Và theo Luật Ngân sách Nhà nước số 56, việc quyết định các khoản cụ thể đã được giao cho Chính phủ và Thủ tướng, tức thẩm quyền thuộc về Chính phủ. Sau đó, Chính phủ sẽ báo cáo lại Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội.
Theo Quyết định số 1500 của Thủ tướng Chính phủ ngày 30/11, dự toán ngân sách năm 2025 đã được giao cụ thể. Trong đó, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội có nhiệm vụ báo cáo tình hình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững để gửi Bộ Tài chính trước ngày 28/2/2025. Bộ Tài chính sẽ tổng hợp, trình Chính phủ và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 15/3/2025, đúng theo nội dung Quyết định số 1500 của Thủ tướng Chính phủ.
Thứ hai, Bộ Tài chính báo cáo cấp có thẩm quyền về việc sử dụng kinh phí từ nguồn tiết kiệm chi 5% trong chi thường xuyên năm 2024 để triển khai hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát. Số kinh phí này đã được chuyển nguồn sang năm 2025. Nội dung này đã được Bộ Tài chính hoàn thành, trình Chính phủ để trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 159, giao Chính phủ tổ chức triển khai thực hiện.
Thứ ba, Bộ Tài chính đã trình cấp có thẩm quyền hướng dẫn triển khai việc sử dụng kinh phí từ nguồn tiết kiệm 5% chi thường xuyên năm 2024 để phục vụ chương trình xóa nhà tạm và nhà dột nát. Theo số liệu hiện nay, nguồn tiết kiệm 5% chi thường xuyên năm 2024 đạt tổng cộng 5.064 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương là 1.026,6 tỷ đồng và ngân sách địa phương là 4.038 tỷ đồng.
Thực hiện nhiệm vụ, Bộ Tài chính đã ban hành văn bản số 399, đề nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội rà soát và báo cáo trên cơ sở các số liệu từ địa phương để xây dựng phương án phân bổ nguồn kinh phí này; gửi báo cáo tổng hợp và phương án phân bổ về Bộ Tài chính trước ngày 16/12/2024 để tổng hợp.
Hiện nay, trong báo cáo gửi Thủ tướng, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã đề xuất nguyên tắc và phương án phân bổ nguồn kinh phí 5%. Bộ Tài chính cơ bản nhất trí với các nguyên tắc và phương án phân bổ này, đảm bảo phù hợp với các quy định hiện hành và mục tiêu đề ra.
Tuy nhiên, hiện nay phương án phân bổ kinh phí vẫn chưa có chi tiết cụ thể. Nếu có số liệu cụ thể, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cần sớm chuyển cho Bộ Tài chính để Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét và chỉ đạo thực hiện.
Thứ tư, về hướng dẫn doanh nghiệp tính chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã ban hành văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các Cục Thuế tại 63 tỉnh thực hiện chính sách này khi doanh nghiệp tham gia hỗ trợ và triển khai các chương trình.
Về lâu dài, trong dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, nội dung miễn giảm thuế thu nhập cho các doanh nghiệp tham gia các chương trình hỗ trợ đã được trình và Quốc hội cho ý kiến. Dự kiến, nội dung này sẽ được Quốc hội xem xét và phê duyệt trong kỳ họp thứ 9 vào tháng 5 tới. Điều này nhằm khuyến khích các doanh nghiệp tích cực tham gia các chương trình an sinh xã hội trong tương lai.
Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có doanh nghiệp hoặc địa phương nào cần thêm sự hỗ trợ, Bộ Tài đã giao cho Cục Thuế tại từng địa phương trực tiếp phối hợp và triển khai công việc.
Thứ năm, liên quan đến chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công, vào ngày 15/10/2024, Thường trực Chính phủ đã họp và ra thông báo về chính sách hỗ trợ xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở cho người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ. Trong đó, đã thống nhất tỉ lệ phân bổ vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương và vốn đối ứng từ ngân sách địa phương. Theo quyết định này, nguồn vốn sẽ được sử dụng từ ngân sách chi thường xuyên và nghiên cứu cân đối từ nguồn tăng thu năm 2024.
Sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 21, trong đó chỉ đạo ngân sách Trung ương hỗ trợ từ nguồn chi thường xuyên, kết hợp với ngân sách địa phương để tối ưu hóa nguồn lực. Trên cơ sở chỉ đạo này, Bộ Tài chính đã gửi văn bản tới Bộ Xây dựng, đề nghị tổng hợp danh sách đối tượng hỗ trợ, xác định nhu cầu kinh phí cụ thể của từng địa phương để thực hiện chính sách.
Tuy nhiên, đến nay, Bộ Xây dựng vẫn chưa có phản hồi chính thức về số liệu cụ thể. Theo báo cáo trước đây từ Bộ Xây dựng, ước tính nhu cầu kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công là khoảng 4.050 tỷ đồng, được đề xuất sử dụng từ nguồn tăng thu ngân sách. Việc sử dụng nguồn tăng thu này sẽ cần báo cáo và xin ý kiến từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh: Thời gian qua, thực hiện chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát, Bộ Xây dựng đã tích cực tham mưu cho Thủ tướng ban hành Chỉ thị số 42/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Về việc đẩy nhanh triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn cả nước. Thời gian qua, Bộ cũng đã phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đôn đốc các địa phương triển khai Chương trình. Liên quan đến xoá nhà tạm, nhà dột nát, ban hành tiêu chí nhà tạm, nhà dột nát, bộ đã khảo sát và dự thảo Quyết định xác định tiêu chí, hiện nay đang lấy ý kiến các địa phương, hạn cuối cùng đến ngày 15/1/2025 sẽ hoàn chỉnh.
Liên quan đến nội dung về triển khai triển khai nhà ở cho người có công, ngày 22/11/2024, Thủ tướng đã ký Quyết định số 21/2024/QĐ-TTg về mức hỗ trợ xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở đối với người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ và tỉ lệ phân bổ vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, tỉ lệ đối ứng vốn hỗ trợ từ ngân sách địa phương giai đoạn 2023-2025. Sau khi có Quyết định này, Bộ đã có làm việc, trao đổi với Bộ Tài chính để phân bổ vốn, việc phân bổ này xác định ngay từ ban đầu theo quyết định đưa ra, tổng mức vốn hỗ trợ là hơn 4.500 tỷ, tương đương với 104.000 căn hộ.
Bộ Tài chính cũng đã có văn bản vào ngày 27/12/2024 gửi Bộ Xây dựng xác định tỉ lệ phân bổ vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương và thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công. Sau khi Bộ Tài chính có hướng dẫn về phân bổ hỗ trợ vốn thì Bộ Xây dựng đã gửi đến tất cả các địa phương, hiện cũng đang đề nghị các địa phương khẩn trương lên đề án xác định rõ mục tiêu hoàn thành cũng như đối tượng cần hỗ trợ, từ đó xác định mức vốn. Cũng đề nghị các địa phương gửi về Bộ Xây dựng để tổng hợp trước ngày 15/1/2025.
Theo chương trình, chúng ta phải hoàn thành trong năm 2025, nhân Hội nghị này, đề nghị các địa phương khẩn trương triển khai. Về những nội dung triển khai, Bộ Xây dựng cũng đã có văn bản đôn đốc, hướng dẫn triển khai, sau khi xác định rõ nguồn vốn địa phương gửi lên, rất mong Bộ Tài chính sớm bố trí vốn để triển khai thực hiện mới kịp tiến độ trong năm 2025.
Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung: Đối với tỉnh Quảng Ngãi, hai tập đoàn hỗ trợ cho Quảng Ngãi là Tập đoàn Dầu khí (50 tỷ đồng) và Tập đoàn Hòa Phát (30 tỷ đồng). Đề nghị đầu tuần tới Quảng Ngãi làm việc cụ thể với hai tập đoàn này.
Đối với Bắc Kạn, trên cơ sở số liệu báo cáo của tỉnh, tại Công văn 52935 ngày 21/11/2024, Bộ đã thừa ủy quyền của Thủ tướng giao Bắc Ninh hỗ trợ Bắc Kạn 69 tỷ đồng, còn 23 tỷ thiếu chúng tôi sẽ lấy từ 5% tiết kiệm của Trung ương để bảo đảm cho Bắc Kạn.
Đối với Bộ Công an, Bộ cơ bản đã hoàn tất ủng hộ các địa phương và hiện nay Bộ Công an đăng ký khoảng hơn 1.000 nhà.
Đối với nhà của người có công, nếu không thay đổi tư duy, cách làm thì đây là chương trình không thể hoàn thành trong năm 2025. Kinh nghiệm từ Quyết định số 22 của Thủ tướng năm 2014, từ 83.000 căn, sau đó phát sinh lên 493.000 căn, đến 11.000 tỷ. Do đó, việc đầu tiên, Bộ Xây dựng có công văn gửi UBND các tỉnh ngay và trong tuần tới, Chủ tịch UBND các tỉnh phải chịu trách nhiệm về số liệu của mình. Trên cơ sở đó, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội thẩm định và nếu đã thẩm định thì sẽ không thay đổi số liệu nữa. Chốt số liệu thì Bộ trưởng Bộ Xây dựng sẽ chủ trì cùng Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cấp tiền ngay cho các địa phương. Đối tượng người có công, làm nhà ở phải dứt sớm ngay đầu năm nay.
Đối với 5% tiết kiệm (hơn 1.000 tỷ đồng), hôm trước Bộ Tài chính có văn bản gửi Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, nhưng hiện nay chưa phân bổ số liệu được, do đó chúng tôi chỉ góp ý về nguyên tắc. Hôm nay xin Thủ tướng kết luận. Trên cơ sở nguyên tắc đó, Bộ Tài chính báo cáo, Thủ tướng đồng ý thì giao cho Bộ Xây dựng cùng Bộ Tài chính phân bổ, trình Thủ tướng xem xét, quyết định ngay.
Một vấn đề nữa, việc nâng trợ cấp đối với người có công 35,7% từ 1/7/2024. Chương trình này hiện nay chưa được các địa phương triển khai, người có công có ý kiến nhiều. Trên cơ sở nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có văn bản hướng dẫn và Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã có quyết định phân bổ chính thức toàn bộ kinh phí này cho các địa phương. Do đó, đề nghị các địa phương phải chuyển toàn bộ kinh phí phần 35,7% này cho người có công trước Tết, và đề nghị ứng toàn bộ trợ cấp tháng 1 và tháng 2 cho người có công trước Tết, không để tiền và quà của người có công sau Tết mới cấp.
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, ngay sau Phiên họp thứ nhất, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các bộ, ngành, địa phương đã tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.
Theo đó, các cơ quan đã ban hành nhiều văn bản theo thẩm quyền và kiện toàn Ban Chỉ đạo các cấp để đẩy mạnh triển khai chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước, gồm Thông báo Kết luận Phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo (Thông báo Kết luận số 523 ngày 16/11/2024), Công điện số 117 ngày 18/11/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai xoá nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước; Quyết định số 21 ngày 22/11/2024 của Thủ tướng Chính phủ về mức hỗ trợ về nhà ở đối với người có công với cách mạng, thân nhân liệt sỹ và tỷ lệ phân bổ vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, tỷ lệ vốn đối ứng từ ngân sách địa phương; Quyết định số 1623 ngày 21/12/2024 của Thủ tướng về việc kiện toàn thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương.
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ban hành văn bản hướng dẫn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các địa phương hưởng ứng phong trào thi đua; làm đầu mối tiếp nhận hỗ trợ thông qua Quỹ “Vì người nghèo” để triển khai Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vị cả nước. Các Bộ: LĐ-TBXH, Nội vụ, Tài chính đã bàn hành các văn bản hướng dẫn về các nội dung, lĩnh vực được phân công theo dõi.
Toàn bộ 58 tỉnh, thành phố có nhà tạm, nhà dột nát đã thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bà Rịa – Vũng Tàu báo cáo không thành lập Ban Chỉ đạo do địa phương không còn nhà tạm, nhà dột nát); có 50 tỉnh, thành phố đã ban hành Kế hoạch triển khai Phong trào trên địa bàn.
Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã tập trung huy động nguồn lực, tổ chức triển khai hiệu quả và đạt nhiều kết quả thiết thực, trong đó nhiều địa phương đã đặt mục tiêu về đích sớm hơn so với kế hoạch của Trung ương.
Kết quả thực hiện từ Phiên họp thứ nhất đến nay, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã hoàn thành 19/26 nhiệm vụ theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương, Thủ tướng Chính phủ,
Quỹ “Vì người nghèo” đã tiếp nhận trên 72,4 tỷ đồng; các địa phương đã vận động được hơn 2,3 nghìn tỷ đồng (trong đó Nghệ An: 843 tỷ đồng; Quảng Ngãi: 242 tỷ đồng; Thanh Hóa 220 tỷ đồng).
Theo báo cáo cập nhật của Bộ LĐ-TBXH, đã hoàn thành, bàn giao và đang xây dựng 84.888 căn hộ; cả nước còn khoảng 230 nghìn căn nhà tạm, nhà dột nát cần phải tập trung xây dựng, sửa chữa để hoàn thành từ nay đến cuối năm 2025.
Bộ Quốc phòng đã hỗ trợ kinh phí xây dựng 9,2 nghìn căn, trị giá 460 tỷ đồng cho 5 địa phương có số nhà tạm, nhà dột nát lớn (gồm: Quảng Trị, Hà Giang, Hà Tĩnh, Lào Cai và Nghệ An); hỗ trợ xây dựng hơn 13,1 nghìn căn “Nhà Đồng đội”, “Nhà Đại đoàn kết”. Bộ Công an phấn đấu đến trước Tết Nguyên đán, hỗ trợ hoàn thành khoảng 1.000 căn nhà cho người nghèo tại 14 tỉnh đón Tết.
Một số địa phương đặt mục tiêu hoàn thành Chương trình sớm, như: tỉnh Bắc Ninh hoàn thành trước ngày 03/02/2025; 07 địa phương hoàn thành trong quý II (Lào Cai, Thái Nguyên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Kon Tum, Tây Ninh, Long An); 12 địa phương hoàn thành trong quý III (Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Bình, Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Gia Lai, Tiền Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, Cà Mau).
Thay mặt Ban chỉ đạo, Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương Bộ LĐ-TBXH, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, các bộ, cơ quan, địa phương đã chủ động, tích cực thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, góp phần vào những thành quả bước đầu hết sức tích cực, quan trọng của Chương trình. Đồng thời, trân trọng cảm ơn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội, đoàn thể Nhân dân, các cơ quan trong hệ thống chính trị các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân cả nước đã thực sự chung tay, hưởng ứng tích cực, đóng góp quan trọng vào kết quả chung của Chương trình.
Thủ tướng nêu rõ, nguyên nhân kết quả đạt được là nhờ tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, càng trong khó khăn, thử thách càng phát huy mạnh mẽ; chủ trương đúng đắn của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời, hiệu quả của Ban Chỉ đạo, sự ủng hộ, tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân; sự chủ động, tích cực, linh hoạt, sáng tạo của các bộ, cơ quan, địa phương.
Đặc biệt, Thủ tướng ghi nhận và biểu dương Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đã nghiêm túc, chủ động thực hiện hiệu quả nhiệm vụ xóa nhà tạm, nhà dột nát theo tinh thần “Quân đội ta từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân chiến đấu”; “Công an ta, vì nước quên thân, vì dân phục vụ”.
Chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, Thủ tướng phê bình nghiêm khắc: Bộ Xây dựng chưa ban hành văn bản hướng dẫn tiêu chí xác định nhà tạm, nhà dột nát, đôn đốc thống kê người có công đang khó khăn về nhà ở; Bộ Tài chính chưa ban hành hướng dẫn phương án sử dụng kinh phí tiết kiệm 5% chi ngân sách thường xuyên năm 2024 và phân bổ vốn sự nghiệp năm 2025 cho Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo; một số địa phương chưa quyết liệt, trách nhiệm chưa cao, chưa ban hành Kế hoạch hành động (09 địa phương gồm: Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lai Châu, Hưng Yên, Đà Nẵng, Phú Yên, Bình Thuận, Đắk Lắk, Hậu Giang); chưa nghiêm túc báo cáo, thống kê theo quy định.
Việc triển khai tại một số địa bàn gặp khó khăn do người dân sống phân tán, giao thông khó khăn, nhất là miền núi, vùng sâu, vùng xa. Đến nay trên toàn quốc còn khoảng 230 nghìn căn nhà tạm, nhà dột nát. Để hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025, bình quân mỗi ngày phải hoàn thành khoảng 700 căn trên cả nước; bình quân mỗi địa phương phải hoàn thành 12 căn/ngày.
Phân tích nguyên nhân tồn tại, hạn chế, Thủ tướng cho rằng về khách quan, đây là chương trình lớn, liên quan đến nhiều bộ, cơ quan, địa phương; phải triển khai trên quy mô rộng trong thời gian ngắn, nhiều đối tượng hỗ trợ ở các địa bàn khó khăn;
Về nguyên nhân chủ quan, một số quy định pháp luật liên quan chưa đầy đủ, rõ ràng gây khó khăn trong triển khai thực tế, nhất là các địa phương (cấp huyện, cấp xã). Một số bộ, cơ quan chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, chưa khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ theo thẩm quyền, nhất là người đứng đầu. Một số địa phương còn máy móc, thiếu sự chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong tổ chức triển khai thực hiện và còn trông chờ, ỷ lại vào nguồn lực hỗ trợ của Trung ương; chưa huy động hiệu quả sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp, lực lượng vũ trang, ngày công của Nhân dân.
Về bài học kinh nghiệm, Thủ tướng nhấn mạnh các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc cần phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc ở cơ quan, địa phương với tinh thần: ai có gì giúp nấy, ai có ít giúp ít, ai có nhiều giúp nhiều, ai có của giúp của, ai có tiền giúp tiền, ai có công giúp công; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân cả nước, đề cao trách nhiệm của cấp ủy và người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Bám sát tình hình, chủ động, linh hoạt, sáng tạo, quyết tâm, quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp xóa nhà tạm, nhà dột nát theo thẩm quyền; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, báo cáo, đề xuất ngay những vấn đề vượt thẩm quyền.
Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị; phát huy tinh thần tự lực, tự cường, tự chủ, không trông chờ, ỷ lại của các địa phương trong thực hiện Chương trình. Quyết tâm cao, nỗ lực, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, làm việc nào ra việc đó; phân công nhiệm vụ bảo đảm “5 rõ: rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả”.
Về quan điểm, định hướng, Thủ tướng nêu rõ việc hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát là một nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng đã được thể hiện rõ trong các Kết luận, Nghị quyết, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hướng tới kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm 2025, tri ân đồng bào, đồng chí sau 80 năm giành độc lập và thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV.
Quán triệt phương châm “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể hỗ trợ, Nhân dân làm chủ”. Đa dạng hóa nguồn lực thực hiện Chương trình theo hướng toàn dân, toàn diện, rộng khắp, bao trùm (từ ngân sách Trung ương ngân sách địa phương, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước).
Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, tạo động lực truyền cảm hứng để mọi người ủng hộ, chia sẻ, cùng chung tay hỗ trợ trong triển khai thực hiện Chương trình với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện các chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định, không để bị lợi dụng, trục lợi, tiêu cực, lãng phí.
Chỉ rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn tiêu chí nhà tạm, nhà dột nát để các địa phương có cơ sở thực hiện và phải báo cáo về Bộ trước ngày 20/1/2025 về số liệu người có khó khăn về nhà ở tại thời điểm đó; các trường hợp đặc biệt phát sinh sau đó thì tiếp tục thống kê theo tiêu chí, hướng dẫn.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội theo dõi sát, thường xuyên đôn đốc, yêu cầu các địa phương rà soát, hoàn thiện kế hoạch theo ngày, tuần, tháng, quý và từ nay đến cuối năm để hoàn thành mục tiêu xoá nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn; cập nhật hằng ngày tình hình, kết quả triển khai chương trình trên cả nước; lưu ý yêu cầu tự động cập nhật hằng ngày từ cấp xã, đếm ngược số ngày còn lại và số căn nhà tạm, nhà dột nát còn lại phải hoàn thành.
Cập nhật, xác định rõ những khó khăn, vướng mắc của địa phương (nhất là về nguồn vốn, thủ tục, đất đai, nhân lực, vận chuyển vật liệu…) để chủ động giải quyết theo thẩm quyền hoặc tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền, Ban Chỉ đạo Trung ương những vấn đề vượt thẩm quyền để bảo đảm tiến độ, mục tiêu, yêu cầu đề ra.
Kịp thời tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền biểu dương, khen thưởng những cách làm hay, gương điển hình và xem xét xử lý, kỷ luật những trường hợp chậm tiến độ, không tích cực, thiếu trách nhiệm, thờ ơ, vô cảm trong thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ tướng yêu cầu Trưởng Ban chỉ đạo cấp tỉnh tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành, các cấp ủy, chính quyền cơ sở thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Chương trình, nhất là trong huy động nguồn lực và giải quyết khó khăn, vướng mắc. Yêu cầu các địa phương chưa ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm, phê bình, kỷ luật và ban hành ngay trước ngày 15/01/2025.
Thường xuyên theo dõi, cập nhật kết quả thực hiện theo ngày, tuần, tháng, quý và từ nay đến cuối năm của từng cấp chính quyền cơ sở. Yêu cầu Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo địa phương cập nhật số liệu hằng ngày trên phần mềm Bộ LĐ-TBXH đã gửi các địa phương; xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu các cấp nếu chậm không cập nhật báo cáo hằng ngày.
Yêu cầu các địa phương chủ động xử lý, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trên địa bàn theo thẩm quyền và kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền đối với những vấn đề vượt thẩm quyền, Thủ tướng lưu ý 5 vấn đề sau:
Thứ nhất, về việc một số địa phương báo cáo khó khăn về rà soát số liệu nhà ở, Giao Trưởng Ban Chỉ đạo các địa phương chỉ đạo cấp huyện, cấp xã phối hợp chặt chẽ với công an địa phương đẩy nhanh tiến độ rà soát, tổng hợp thông tin chính xác về số lượng nhà ở cần hỗ trợ cho các nhóm đối tượng tại địa phương và phê duyệt danh sách hộ đủ điều kiện được hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát, bảo đảm hoàn thành trong tháng 1/2025.
Thứ hai, đối với số nhà tạm, nhà dột nát phát sinh thêm, yêu cầu địa phương tự huy động nguồn lực để hỗ trợ theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 523/TB-VPCP và Công điện số 117/CĐ-TTg.
Thứ ba, về khó khăn trong thực hiện vận chuyển vật liệu để làm nhà, yêu cầu địa phương nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 523/TB-VPCP và Công điện 117/CĐ-TTg. Lưu ý phải chủ động, sáng tạo, linh hoạt, nhất là huy động các lực lượng trên địa bàn (thanh niên, dân quân, các tổ chức chính trị – xã hội, đoàn thể nhân dân…) và có kế hoạch cụ thể, hướng dẫn cộng đồng tham gia hỗ trợ các gia đình có nhu cầu.
Thứ tư, về khó khăn trong huy động nguồn lực để triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn, Thủ tướng yêu cầu các địa phương đổi mới phương pháp, cách làm theo hướng đa dạng hóa nguồn lực (bao gồm nguồn lực được hỗ trợ từ trung ương, địa phương, nguồn lực công sức huy động, giúp đỡ từ cộng đồng, nguồn lực đóng góp từ chính các hộ nghèo, hộ cận nghèo…), gắn trách nhiệm của người đứng đầu.
Thứ năm, về khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, yêu cầu các địa phương thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 523/TB-VPCP ngày 16/11/2024 và hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Thủ tướng chỉ đạo Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra hỗ trợ nhà ở đối với người có công (theo Quyết định số 21/2024/QĐ-TTg ngày 22/11/2024); cung cấp số liệu hộ nghèo, hộ cận nghèo cần hỗ trợ nhà ở (xây mới, sửa chữa) năm 2025 từ Dự án 5 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, hoàn thành trong tháng 1/2025.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ phân bổ nguồn vốn sự nghiệp năm 2025 của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 (Dự án 5) để hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo, hoàn thành trước ngày 20/01/2025. Khẩn trương chủ trì, phối hợp với Bộ LĐ-TBXH và các cơ quan liên quan thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc về phương án sử dụng nguồn tiết kiệm 5% chi thường xuyên năm 2024; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/01/2025. Miễn thuế thu nhập với việc tham gia các chương trình an sinh xã hội. Chuẩn bị nguồn lực năm 2025 để báo cáo với các vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (trong tháng 1/2025) và báo cáo Quốc hội các vấn đề thuộc thẩm quyền.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đôn đốc các tổ chức tín dụng chuyển kinh phí hỗ trợ cho các địa phương và tiếp tục tích cực tham gia hỗ trợ.
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty nhà nước chuyển kinh phí hỗ trợ cho các địa phương và tiếp tục tích cực tham gia hỗ trợ thực hiện Chương trình.
Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan thông tấn, báo chí chủ động xây dựng kế hoạch, phương án truyền thông, vận động để lan toả mạnh mẽ phong trào, tạo khí thế thi đua sôi nổi, tạo đồng thuận xã hội để người dân, doanh nghiệp ủng hộ, chia sẻ, chung tay hỗ trợ Chương trình.
Các bộ, cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân nhận hỗ trợ các địa phương khẩn trương chuyển kinh phí vào đầu mối và số tài khoản tiếp nhận của cơ quan Mặt trận Tổ quốc tỉnh mà Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã cung cấp để triển khai thực hiện.
Thủ tướng đề nghị Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn về việc thanh, quyết toán theo quy định đối với các đối tượng liên quan từ Quỹ Vì người nghèo tại thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ (Thông báo số 448/TB-VPCP ngày 02/10/2024).
Các bộ ngành, địa phương phát huy tinh thần chủ động, thực hiện các công việc theo thẩm quyền và ban hành hướng dẫn cụ thể.
Khẳng định nhiệm vụ hoàn thành xoá nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025 là nhiệm vụ nặng nề nhưng rất vinh quang, là trách nhiệm cao cả của cán bộ, đảng viên, là tình cảm tương thân, tương ái xuất phát từ trái tim, nên nặng nề mấy cũng phải làm, khó khăn, thách thức mấy cũng phải vượt qua, phức tạp mấy cũng phải xử lý, vướng mắc mấy cũng phải tháo gỡ, làm việc với tất cả tấm lòng, trái tim, khối óc của mình với những người khó khăn, Thủ tướng đề nghị các đồng chí Bộ trưởng, Trưởng ngành, Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cấp ủy, chính quyền các cấp phát huy tinh thần trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân, đặc biệt quan tâm tập trung lãnh đạo chỉ đạo để thực hiện thành công mục tiêu đề ra là xóa toàn bộ nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025.