Không để gián đoạn các chính sách LĐTB&XH mà phải làm tốt hơn

(Chinhphu.vn) – Các chính sách đã và đang làm, đặc biệt thành tựu ngành LĐTB&XH làm được cho đến bây giờ, đó là sự phát triển tiệm cận và càng ngày càng nâng lên tầm cao mới. “Chúng ta cố gắng duy trì, tiếp thu và truyền lại đầy đủ để không có sự gián đoạn dù ở cơ quan, tổ chức nào”, Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhấn mạnh.

0:00

27/12/2024  12:04
Không để gián đoạn các chính sách LĐTB&XH mà phải làm tốt hơn- Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long dự hội nghị toàn quốc tổng kết việc thực hiện nhiệm vụ năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 lĩnh vực lao động, người có công và xã hội – Ảnh: VGP/Đức Tuân

Sáng 27/12, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức hội nghị toàn quốc tổng kết việc thực hiện nhiệm vụ năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, lãnh đạo các ban của Đảng, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương đã dự Hội nghị.

Tỉ lệ thất nghiệp giảm ấn tượng

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh ý nghĩa sự kiện tổ chức với quy mô toàn quốc của ngành. Hội nghị nhìn lại toàn diện việc thực hiện nhiệm vụ trong năm 2024, đồng thời ôn lại cả lịch sử 80 năm hoạt động của Bộ LĐ-TB&XH. Nhiều thế hệ lãnh đạo tiền nhiệm của Bộ cũng có mặt tại hội nghị hôm nay, để cùng chứng kiến sự thay đổi, lớn mạnh của ngành suốt 80 năm qua.

Trong năm 2024, công tác lao động, người có công và xã hội đã hoàn thành 100% chương trình công tác của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Một trong những thành tựu nổi bật là việc tham mưu xây dựng và trình Chính phủ để trình Quốc hội khóa XV thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), với tỉ lệ thông qua đạt 93,42%, bao gồm 14 nội dung lớn mang tính cải cách.

Đặc biệt, lần đầu tiên triển khai thí điểm sàn giao dịch việc làm trực tuyến toàn quốc, giúp tăng cường sự kết nối giữa người lao động và doanh nghiệp. Tình hình việc làm và thu nhập của người lao động có sự cải thiện so với cùng kỳ năm 2023.

Quan hệ lao động tại các doanh nghiệp tiếp tục duy trì ổn định, và hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài phục hồi mạnh mẽ, đạt mức cao nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, với hơn 150.000 người.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), thị trường lao động năm 2024 đã dần trở lại trạng thái bình thường như thời kỳ trước đại dịch COVID-19.

Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 52,5 triệu người, tăng 210,6 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỉ lệ tham gia lực lượng lao động đạt 68,5%, duy trì ở mức cao, phản ánh sự phục hồi tích cực của nền kinh tế.

Số lao động có việc làm đạt 51,4 triệu người, tăng 212.000 người so với cùng kỳ năm trước.

Tỉ lệ thất nghiệp tại khu vực thành thị 9 tháng đầu năm 2024 ghi nhận mức giảm ấn tượng, chỉ còn 2,38%, giảm 0,17% so với cùng kỳ năm trước.

Bộ cũng trình Chính phủ ban hành Nghị định số 77/2024/NĐ-CP sửa đổi mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng. Theo đó, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng từ 2,055 triệu đồng lên 2,789 triệu đồng, tăng 35,7%, cao nhất từ trước đến nay.

Không để gián đoạn các chính sách LĐTB&XH mà phải làm tốt hơn- Ảnh 2.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhấn mạnh không để gián đoạn các chính sách LĐ-TB&XH mà phải làm tốt hơn – Ảnh: VGP/Đức Tuân

Thực hiện chi trả trợ cấp thường xuyên cho 1,074 triệu người có công với cách mạng. Giai đoạn 2021-2024, tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm khoảng 4,2% (giảm bình quân khoảng 1,05%/năm); tỉ lệ hộ nghèo các huyện nghèo giảm bình quân trên 4%/năm, tỉ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm bình quân trên 3%/năm.

Bên cạnh đó, Bộ cũng tham mưu cho Chính phủ tổ chức Chương trình hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước, đến nay đã huy động trên 5.000 tỷ đồng.

Điều kiện đất nước tốt hơn thì hưởng thụ chính sách nhiều hơn

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long nhận định, sự kiện hôm nay của ngành LĐ-TB&XH mang rất nhiều cung bậc cảm xúc.

Xem phóng sự khái quát về sự phát triển của ngành suốt 80 năm, mọi hoạt động của ngành đều gắn với những truyền thống văn hóa hết sức tốt đẹp của dân tộc, đó là tình tương thân, tương ái, nghĩa tình, nhân văn.

Ngành LĐ-TB&XH cũng gắn bó chặt chẽ từ đầu với lịch sử phát triển của đất nước trong thời đại mới.

Không để gián đoạn các chính sách LĐTB&XH mà phải làm tốt hơn- Ảnh 3.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long trao cờ thi đua của Chính phủ tặng Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH – Ảnh: VGP/Đức Tuân

Theo Phó Thủ tướng, làm công tác chăm sóc người có công là thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, là tri ân những người đã hy sinh vì độc lập, tự do của đất nước. Làm về thị trường lao động, đào tạo nghề là thực hiện phần việc quan trọng như đúc kết của cha ông là “nghệ phải tinh”.

Ngành LĐ-TB&XH đã cố gắng hoàn thiện chính sách tiền lương và xây dựng quan hệ lao động hài hòa, “cái khó ở đây là làm sao bảo đảm sự hài hòa, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam và tiệm cận với tiêu chuẩn thế giới”.

“Điều này không phải dễ, phải đảm bảo làm sao tiền lương tối thiểu, chính sách lao động việc làm không phân biệt đối xử để hàng hoá bán được ra thị trường nước ngoài”, Phó Thủ tướng nói.

Về chính sách an sinh xã hội, ngành LĐ-TB&XH đã quan tâm đến những công dân thiệt thòi nhất trong xã hội, giúp họ được thụ hưởng chính sách tốt hơn.

Phó Thủ tướng cũng cho biết, khi ông đi tiếp xúc cử tri, đi đến cơ sở, gặp gỡ người dân, mọi người đều quan tâm đến mức độ thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội, chính sách người có công là bao nhiêu, “liệu có thêm tiền hay không”.

“Tôi có trả lời là sẽ trao đổi với Bộ trưởng, với ngành LĐ-TB&XH, đồng bào cứ yên tâm rằng đất nước chúng ta có điều kiện hơn thì các anh, các chị ngành LĐ-TB&XH sẽ tham mưu để chúng ta có được phần nhiều hơn”, Phó Thủ tướng chia sẻ. Những chính sách trong ngành phụ thuộc nhiều vào thu nhập, điều kiện phát triển của đất nước, nên “ở mặt này hay mặt khác thì chưa đáp ứng được hết mong muốn của chúng ta”.

Phó Thủ tướng cho rằng, những kết quả mà ngành LĐ-TB&XH đạt được là cả một quá trình và những con số đưa ra trong báo cáo kết quả của năm 2024 chỉ là điểm nhấn, cập nhật những gì ngành đã và đang làm.

Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhất trí những việc ngành LĐ-TB&XH đã làm, đánh giá cao các kết quả, thành tích ngành đã làm trong thời gian dài, đặc biệt trong năm 2024.

“Tôi chia sẻ với những hạn chế, khó khăn vướng mắc mà các đồng chí đã điểm ra, đồng tình với giải pháp chúng ta đề ra cho năm 2025 và những năm tới”, Phó Thủ tướng Lê Thành Long nói.

Về phương hướng năm 2025, Phó Thủ tướng nêu rõ, năm 2025, chúng ta có 3 việc phải tiến hành đồng thời: Sắp xếp, tổ chức bộ máy; tổ chức Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; phấn đấu đạt tăng trưởng kinh tế trên 7%, tạo đà cho những năm sau.

Tất cả chính sách thuộc các lĩnh vực mà Bộ LĐ-TB&XH đang trực tiếp tham mưu cho Đảng và Nhà nước về người có công, an sinh xã hội, lao động việc làm, hỗ trợ người nghèo thì hoàn toàn không thay đổi, mà phải làm tốt hơn, làm nhiều hơn để phục vụ nhu cầu của các đối tượng này.

Với tinh thần như vậy, Phó Thủ tướng đề nghị mỗi cán bộ của ngành nghiêm túc chấp hành việc bố trí. Vì các chính sách đã và đang làm, đặc biệt là thành tựu ngành làm được cho đến bây giờ, đó là sự phát triển tiệm cận và càng ngày càng nâng lên tầm cao mới. “Chúng ta cố gắng duy trì, tiếp thu và truyền lại đầy đủ để không có sự gián đoạn dù ở cơ quan, tổ chức nào”, Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long mong cán bộ, nhân viên trong ngành yên tâm, thực hiện tốt chủ trương của Đảng và Nhà nước, phát huy truyền thống đã đạt được trong thời gian vừa qua, để các việc chúng ta đã và đang làm trong ngành LĐTB&XH tiếp tục được nhân rộng và phát huy, đạt thành tựu cao hơn nữa trong những năm tới.

Không để gián đoạn các chính sách LĐTB&XH mà phải làm tốt hơn- Ảnh 4.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Thành Long – Ảnh: VGP/Đức Tuân

Luôn nỗ lực làm tròn trách nhiệm của mình

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung bày tỏ niềm tự hào khi được là một phần của ngành có bề dày lịch sử, ý nghĩa với tiến trình xây dựng đất nước.

Ngành ý thức rất sâu sắc trách nhiệm của mình, gần 80 năm từ 2 bộ đầu tiên trong Chính phủ, trải qua 4 lần sáp nhập, các nhiệm vụ xuyên suốt luôn là việc làm, an sinh xã hội, bồi đắp dần và phát triển như hiện nay đó là cả dòng chảy.

“Trong bất cứ hoàn cảnh nào, có những giai đoạn thăng trầm khác nhau nhưng ngành LĐ-TB&XH luôn nỗ lực làm tròn trách nhiệm của mình”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Bộ LĐ-TB&XH tự hào về những dấu ấn tạo lập được trên hành trình xây dựng, hoàn thiện chính sách xã hội của Việt Nam. Những kết quả này không chỉ lãnh đạo Nhà nước, người dân ghi nhận mà còn giúp Việt Nam trở thành một điển hình ấn tượng với cả thế giới.

Đức Tuân

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *