Dòng tiền vẫn khá yếu nhưng sự hồi phục của phần lớn cổ phiếu trụ cột, trong đó có FPT của ông Trương Gia Bình và nhóm ngân hàng, đã giúp VN-Index tăng khá mạnh.
Trong phiên giao dịch 9/8, thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến khá tích cực nhờ sự hồi phục của đa số cổ phiếu trụ cột, trong đó có FPT của ông Trương Gia Bình và nhóm ngân hàng.
Tới 14h, cổ phiếu FPT tăng 4.800 đồng, lên 126.200 đồng/cp.
Các cổ phiếu ngân hàng cũng tăng mạnh. Ngân hàng BIDV (BID) tăng 900 đồng lên 46.900 đồng/cp; Vietinbank (CTG) tăng 1.150 đồng, lên 31.350 đồng/cp; HDBank (HDB) của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo tăng 650 đồng, lên 25.600 đồng/cp…
Nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng tăng khá mạnh. Chứng khoán SSI (SSI) tăng 1.400 đồng, lên 31.400 đồng/cp.
Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu của tỷ phú Phạm Nhật Vượng quay đầu giảm sau hai phiên tăng khá mạnh. Tính tới 14h08, cổ phiếu Vinhomes (VHM) giảm 400 đồng, xuống 37.200 đồng/cp; Vingroup (VIC) giảm 500 đồng, xuống 41.300 đồng/cp. Vincom Retail (VRE) giảm 100 đồng, xuống 17.550 đồng/cp.
Tính tới 14h10, chỉ số VN-Index tăng gần 16 điểm lên mức 1.224 điểm.
Chốt phiên giao dịch ngày 9/8, chỉ số VN-Index tăng 15,32 điểm (+1,27%) lên mức 1.223,64 điểm. HNX-Index tăng 1,175% lên 229,38 điểm.
Cổ phiếu FPT tăng 5.500 đồng, lên 126.900 đồng/cp. Cổ phiếu Vinhomes (VHM) giảm 400 đồng, xuống 37.200 đồng/cp; Vingroup (VIC) giảm 600 đồng, xuống 41.200 đồng/cp; Vincom Retail (VRE) giảm 150 đồng, xuống 17.500 đồng/cp.
Trước đó, trong phiên 7/8, nhóm cổ phiếu của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tăng mạnh. Cổ phiếu Vinhomes (VHM) thậm chí tăng trần sau khi Vinhomes thông báo có kế hoạch mua 370 triệu cổ phiếu VHM, tương đương 8,5% tổng số cổ phiếu đang lưu hành của công ty.
Trong phiên tiếp theo, ngày 8/8, cổ phiếu Vinhomes cũng diễn biến tích cực.
Dù vậy, áp lực bán khá mạnh của khối ngoại và các nhà đầu tư trong nước vào hai phiên trước và phiên hôm nay 9/8 đã khiến cổ phiếu này quay đầu giảm.
Thị trường chứng khoán hôm nay nhìn chung diễn biến tích cực với áp lực bán giảm trên diện rộng. Tuy nhiên, sức cầu cũng không lớn, qua đó khiến thanh khoản không cao. Tính tới 14h15 trên sàn HOSE, chỉ có khoảng 11.700 tỷ đồng giá trị cổ phiếu được chuyển nhượng.
Thị trường chứng khoán diễn biến tích cực trong bối cảnh tâm lý nhà đầu tư dần ổn định trở lại sau những lo lắng từ những diễn biến xấu trên thị trường tài chính quốc tế và trong nước trước đó.
Thông tin chứng khoán Mỹ bật tăng trở lại trong phiên 8/8 (rạng sáng 9/8) đã tác động tích cực lên tâm lý của các nhà đầu tư.
Trong phiên vừa qua, chỉ số chứng khoán tầm rộng của Mỹ S&P 500 tăng 2,3% lên 5.319 điểm, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 11/2022. Dữ liệu lao động tích cực thúc đẩy niềm tin của nhà đầu tư vào nền kinh tế Mỹ sau đợt bán tháo mạnh trên thị trường hồi đầu tuần. Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng gần 1,8%. Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng gần 2,9%.
Trong nước, dòng tiền vào thị trường chứng khoán không mạnh. Khối ngoại vẫn xu hướng bán ròng. Tuy nhiên, áp lực bán trong nước không lớn. Do vậy, đa số cổ phiếu được hưởng lợi và tăng giá.
Cổ phiếu FPT của ông Trương Gia Bình tăng khá mạnh trong bối cảnh tập đoàn này vẫn được hưởng lợi từ hoạt động xuất khẩu phần mềm cũng như hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ lớn nhất thế giới.
Cơn sốt trí tuệ nhân tạo (AI) hồi đầu năm làm mưa làm gió trên thị trường công nghệ và chứng khoán trên phạm vi toàn cầu đã khiến cổ phiếu FPT tăng bứt phá, qua đó giúp FPT trở thành doanh nghiệp tư nhân lớn nhất trên sàn chứng khoán.
Giờ đây, con sóng này không còn lớn nhưng vẫn đủ giúp FPT hút dòng tiền mỗi khi cổ phiếu giảm.
Hôm 9/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký quyết định thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ nghiên cứu, tư vấn, khuyến nghị, đề xuất phương hướng, giải pháp để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam; chỉ đạo, phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan, tổ chức liên quan để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.
Đây được xem là một thông tin tích cực đối với FPT của ông Trương Gia Bình.
Nhiều nhà đầu tư cũng hứng thú với thông tin Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) sắp hoàn thiện các chính sách sửa đổi để giúp nâng hạng TTCK Việt Nam từ cận biên lên mới nổi.
Theo SSI Research, thị trường chứng khoán biến động mạnh hơn trong những phiên đầu tháng 8 khi xuất hiện các biến số rủi ro mới. Tuy nhiên, rủi ro tỷ giá đã giảm dần và tăng trưởng lợi nhuận quý II… sẽ hỗ trợ cho thị trường chứng khoán.
Còn Chứng khoán MBS nhận định, mặc dù tiêu dùng nội địa còn ảm đạm, và lạm phát trong nửa cuối năm 2024 còn rủi ro nhưng vẫn trong tầm kiểm soát.
Ở chiều ngược lại, SSI Research khuyến nghị các nhà đầu tư theo dõi tín hiệu suy thoái ở các nền kinh tế lớn. Đây được xem là yếu tố có thể ảnh hưởng tới quá trình phục hồi của Việt Nam.
Một số nhà đầu tư cũng lo ngại về sự gia tăng của lãi suất, trong đó có lãi suất huy động, có thể ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết trong thời gian tới, cũng như làm giảm dòng tiền vào TTCK.
Có thể bạn quan tâm
- Chủ đề:
-
cổ phiếu
-
Trương Gia Bình
-
Phạm Nhật Vượng