Tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng bất ngờ tăng mạnh, trong khi đó nhiều đại gia Việt ghi nhận cổ phiếu lên đỉnh lịch sử dù khối ngoại vẫn bán ròng hàng tỷ USD, thị trường khá trầm lắng.
Trong phiên giao dịch cuối tuần 12/7, thị trường chứng khoán (TTCK) ghi nhận phiên giảm thứ 3 liên tiếp với sự suy yếu của nhóm cổ phiếu trụ cột trên sàn, trong đó có nhóm ngân hàng, tài chính và bán lẻ.
Chung cuộc, chỉ số VN-Index giảm 3,05 điểm xuống 1.280,75 điểm. Đây là phiên giảm thứ 3 liên tiếp sau khi chỉ số này liên tục leo lên trước đó và lên sát ngưỡng 1.300 điểm trong phiên 9/7 nhờ sức cầu từ nhóm các nhà đầu tư cá nhân trong nước.
Nhóm cổ phiếu blue-chips bị bán mạnh và tiếp tục suy yếu.
Tuy nhiên, thị trường ghi nhận sự tăng giá khá bất ngờ của một số cổ phiếu, trong đó có nhóm 3 mã “họ Vin” gồm Vingroup (VIC), Vinhomes (VHM) và Vincom Retail (VRE) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng.
Cổ phiếu Vingroup tăng khá mạnh thêm 650 đồng lên 41.750 đồng/cp.
Một số cổ phiếu trụ cột khác cũng gây bất ngờ như FPT của đại gia công nghệ Trương Gia Bình, VietJet (VJC) của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, GVR, POW…
Cùng với thông tin cổ phiếu hãng xe điện VinFast (VFS) bất ngờ tăng trên sàn chứng khoán Nasdaq của Mỹ thêm 17,5% trong phiên 11/7 lên 4,9 USD/cp, tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tăng thêm 100 triệu USD (tương đương hơn 2.500 tỷ đồng) lên mức 4,2 tỷ USD.
Gần đây, không có nhiều thông tin tác động tới VinFast và cổ phiếu này xoay quanh mức 4-4,5 USD/cp.
Thông tin mới nhất cho biết, hãng VinFast đang tìm kiếm khoản vay khoảng 250 triệu USD từ các ngân hàng Indonesia để xây dựng nhà máy lắp ráp tại nước này. Trước đó, hôm 27/6, VinFast đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên. Tại đại hội, VinFast miễn nhiệm chức danh thành viên Hội đồng quản trị đối với bà Phạm Nguyễn Anh Thư. Đồng thời, VinFast bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Lan Anh làm thành viên Hội đồng quản trị. Hội đồng quản trị VinFast hiện gồm ông Phạm Nhật Vượng, bà Lê Thị Thu Thủy, ông Ling Chung Yee Roy, ông Tham Chee Soon, bà Nguyễn Thị Vân Trinh và bà Nguyễn Thị Lan Anh.
Mặc dù cổ phiếu Vingroup tăng khá mạnh trong 2 phiên gần đây nhưng vẫn ở vùng thấp nhất trong 7 năm. Vốn hóa Vingroup hiện ở mức gần 160 nghìn tỷ đồng (khoảng 6,3 tỷ USD).
Một số mã cổ phiếu khác trên sàn đang ở vùng đỉnh lịch sử.
Vào đầu tuần, hôm 8/7 cổ phiếu của Công ty Cổ phần FPT do ông Trương Gia Bình lên đỉnh lịch sử mọi thời đại với mức giá 139.600 đồng/cp. Khi đó, FPT có vốn hóa gần 204 nghìn tỷ đồng (đương đương 8 tỷ USD).
Đây là cú bứt phá rất mạnh của FPT trong 5 năm qua. Hồi tháng 4/2019, khi quy mô vốn hóa của Vingroup lên 370 nghìn tỷ đồng, thì FPT mới ở mức chưa tới 29 nghìn tỷ đồng.
Một cổ phiếu thuộc nhóm “đời đầu” trên thị trường chứng khoán là REE của CTCP Cơ điện lạnh do bà Nguyễn Thị Mai Thanh làm chủ tịch cũng đã bứt phá lên đỉnh lịch sử.
Hôm 11/7, REE bứt phá lên mức kỷ lục 71.500 đồng/cp. Cổ phiếu này đã tăng gần 50% kể từ đầu năm. Vốn hóa tăng thêm hơn 10 nghìn tỷ đồng sau hơn 6 tháng lên 33.500 tỷ đồng.
VN-Index ngược chiều với loạt tin tốt
Trong phiên cuối tuần 12/7, chỉ số VN-Index giảm điểm trong bối cảnh thị trường đón nhận nhiều tin tích cực, trong đó có khả năng tỷ giá USD/VND sẽ tiếp tục hạ nhiệt trong thời gian tới theo sự thay đổi lập trường của Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell trong phiên điều trần trước Hạ viện Mỹ hôm 10/7.
Theo đó, ông Powell bất ngờ cho biết, Fed sẽ không đợi cho đến khi lạm phát giảm xuống mức mục tiêu 2% mới bắt đầu cắt giảm lãi suất. Đây là một tín hiệu hoàn toàn mới, thay vì lập trường kiên trì kéo lạm phát về mục tiêu 2% mà ông chủ Fed luôn đề cập trước đó.
Đồng yên Nhật bật tăng với mức đi lên mạnh nhất trong hơn 2 năm qua so với đồng USD. Mức tăng lên tới 2,7% trong chỉ một phiên. Một số đồng tiền khác cũng tăng trở lại sau khi lao dốc trước đó so với đồng bạc xanh của Mỹ.
Tuyên bố của ông Powell cũng đồng nghĩa với việc Fed sẽ sớm hạ lãi suất. Tính tới tối 12/7, theo các tín hiệu từ công cụ CME FedWatch, thị trường đánh cược 96,2% khả năng Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất trong cuộc họp vào ngày 18/9 tới. Trong đó có 89,8% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất 25 điểm, từ mức 5,25-5,5%/năm hiện tại xuống 5-5,25%/năm. Có 6,4% khả năng Fed cắt giảm 50 điểm. Hôm 3/7, tỷ lệ cắt giảm lãi suất thấp chỉ ở mức 67%.
Đồng USD được dự báo bước vào một xu hướng giảm khi tín hiệu cắt giảm lãi suất của Fed đã rất rõ ràng. Tới 21h ngày 12/7 (giờ Việt Nam), chỉ số DXY – đo lường biến động của đồng bạc xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt – giảm xuống còn 104,2 điểm, so với mức 105-106 điểm hồi cuối tháng 6.
Trước đó, Việt Nam ghi nhận loạt chỉ số kinh tế vĩ mô tích cực, từ tăng trưởng vượt dự báo (GDP quý II tăng 6,93%) cho tới xuất khẩu trong 6 tháng và giải ngân vốn FDI lập kỷ lục… Tỷ giá gần đây cũng hạ nhiệt, lãi suất còn ở mức thấp…
Tuy nhiên, có một thực tế là nhóm các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán mạnh cổ phiếu Việt. Trong phiên 12/7, khối ngoại bán ròng 777 tỷ đồng cổ phiếu sau một phiên mua ròng hiếm hoi trước đó, tập trung vào VHM, MWG, MSN, TCB và cả FPT.
Trong 6 tháng đầu năm, khối ngoại bán ròng gần 2 tỷ USD cổ phiếu Việt.
Mặc dù có bất đồng quan điểm giữa các nhóm đầu tư trong việc đánh giá triển vọng của thị trường chứng khoán nhưng có một thực tế là dòng tiền trong dân được đánh giá khá dồi dào và thiếu kênh đầu tư hấp dẫn.
Một phần của dòng tiền trong nước vẫn đang tìm đến chứng khoán.
Nhiều công ty chứng khoán dự báo TTCK đang trong giai đoạn giằng co và có thể điều chỉnh nhưng sẽ đi lên vào cuối năm. VN-Index có thể lên 1.300-1.400 cho VN-Index vào cuối năm 2024.