Thị trường chứng khoán diễn biến tích cực trong tuần 13-17/5, điểm số và thanh khoản tăng trong bối cảnh giá vàng vẫn treo cao nhưng tỷ giá hạ nhiệt. Nhiều thông tin vĩ mô trong và ngoài nước hỗ trợ.
VN-Index tăng, thanh khoản tiếp tục phục hồi
Thị trường chứng khoán diễn biến tích cực trong tuần 13-17/5 với các chỉ số tăng khá mạnh khi nhóm cổ phiếu chủ chốt thay nhau tăng điểm, qua đó hỗ trợ cho thị trường chung. Nhiều người tin tưởng các tập đoàn lớn sẽ là trụ cột cho nền kinh tế trong thập kỷ tới.
Dòng tiền đổ mạnh và nhiều mã cổ phiếu lớn vốn chịu áp lực giảm trước đó.
Các thông tin tích cực trên thị trường tài chính thế giới cũng góp phần giúp tỷ giá trong nước ổn định, qua đó giúp dòng tiền tự tin hơn vào triển vọng của cổ phiếu trong thời gian tới. Giá vàng treo cao được cho không có nhiều ảnh hưởng tới các nhà đầu tư chứng khoán.
Nổi bật trong tuần là sự bứt phá của nhóm cổ phiếu bất động sản lớn, ngân hàng, bán lẻ, công nghệ và nhóm ngành chăn nuôi.
Trong tuần 13-17/5, cổ phiếu Vingroup (VIC) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng ghi nhận 4 phiên tăng điểm và một phiên đầu tuần đi ngang. Tính trong cả tuần, cổ phiếu Vingroup tăng hơn 4,1%. Cổ phiếu Vinhomes (VHM) cũng ghi nhận tăng hơn 1,2%. Cổ phiếu Novaland (NVL) của ông Bùi Thành Nhơn cũng có 3 phiên tăng điểm dù doanh nghiệp ghi nhận tình hình còn khó khăn, nợ rất lớn, dòng tiền eo hẹp và dự án Aqua Đồng Nai phải tạm dừng triển khai.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng bứt phá với LPBank (LPB) của ông Nguyễn Đức Thụy tăng 15,4%; VPBank của ông Ngô Chí Dũng tăng 4,9%.
FPT của ông Trương Gia Bình lên đỉnh cao lịch sử mới, trong khi đó Thế Giới Di Động (MWG) của ông Nguyễn Đức Tài cũng hút dòng tiền.
Nhóm cổ phiếu trụ cột và ngân hàng tăng sau khi có thông tin tỷ giá USD/VND hạ nhiệt, tình hình thế giới và trong nước bớt căng thẳng. Bên cạnh đó, Chính phủ công bố chương trình hành động theo Nghị quyết của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ mới với mục tiêu tới năm 2030 Việt Nam có 10 tỷ phú USD, 5 doanh nhân quyền lực châu Á.
Theo Forbes, Việt Nam hiện có 6 tỷ phú. Đó là ông Phạm Nhật Vượng (Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, CEO VinFast) với 4,4 tỷ USD; bà Nguyễn Thị Phương Thảo (Chủ tịch VietJet) với 2,8 tỷ USD; ông Trần Đình Long – Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát HPG (2,6 tỷ USD); ông Hồ Hùng Anh – Chủ tịch Techcombank (1,7 tỷ USD); ông Nguyễn Đăng Quang – Chủ tịch Masan Group (1,2 tỷ USD); ông Trần Bá Dương Chủ tịch Thaco (1,2 tỷ USD).
Một số doanh nhân trong mảng bất động sản, công nghệ, hóa chất,… khác có thể lọt danh sách các tỷ phú USD.
Sau khi giằng co trong phiên đầu tuần (13/5), thị trường bắt đầu khởi sắc trong phiên tiếp theo với sức bật đến từ cổ phiếu bán lẻ MWG. Thị trường bứt phá hơn 11 điểm trong phiên 15/5 nhờ tâm lý tích cực lan tỏa qua các nhóm ngành và diễn biến ấn tượng của 2 cổ phiếu công nghệ FPT và CMG khi được hưởng lợi từ xu hướng trí tuệ nhận tạo (AI), đặc biệt sau khi hai doanh nghiệp này hợp tác đầu tư với ‘ông lớn’ công nghệ Mỹ NVIDIA.
Trong phiên 16/5, thị trường chứng khoán toàn cầu đón nhận thông tin tích cực khi lạm phát tháng 4 của Mỹ giảm nhiều hơn dự báo, khiến chỉ số đồng Dollar (DXY) giảm 0,47% xuống 104,5 khi nhà đầu tư gia tăng kỳ vọng vào việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất. VN-Index phiên này tăng hơn 14 điểm với thanh khoản trung bình trên 20 nghìn tỷ đồng.
Quán tính sẽ giúp VN-Index lên 1.300 điểm?
Trong phiên 17/5, VN-Index giằng co quanh ngưỡng tham chiếu. Lực cầu tập trung vào nhóm ngành chăn nuôi như BAF hay HAG, với đà tăng mạnh của giá lợn hơi gần đây.
Tính chung cả tuần 13-17/5, VN-Index tăng 2,3% lên 1.273,1 điểm. HNX-Index tăng 2,5% lên 241,5 điểm và UPCOM-Index tăng 1,5% lên 93,1 điểm. Thanh khoản tiếp tục có xu hướng đi lên nhẹ, với giá trị giao dịch trên 3 sàn đạt 20.112 tỷ đồng/phiên (tăng 1,9% so với tuần trước).
Tuy nhiên, khối ngoại tiếp đà bán ròng 2,458 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần.
Theo ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Chiến lược thị trường, Khối Phân tích Chứng khoán VnDirect, nhìn chung thị trường chứng kiến tuần giao dịch tương đối tích cực trước những thông tin vĩ mô trọng điểm trong và ngoài nước.
Giá vàng trong nước vẫn quanh ngưỡng 90 triệu đồng/lượng nhưng không mấy tác động tới tâm lý của nhiều nhà đầu tư chứng khoán.
Tỷ giá USD/VND đã hạ nhiệt về mức 25.450 đồng/USD (theo tỷ giá bán ra của Vietcombank), so với mức 25.485 đồng/USD trước đó.
Theo ông Hinh, chỉ số sức mạnh đồng đô la (DXY) và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ cũng có nhịp điều chỉnh và nhà đầu tư đang tự tin hơn về kịch bản Fed sẽ giảm lãi suất điều hành vào cuộc họp tháng 9. Điều này giúp giảm bớt phần nào áp lực lên tỷ giá trong nước. Tỷ giá trung tâm và tỷ giá mua/bán USD của các ngân hàng thương mại đã giảm nhẹ trong một vài phiên gần đây.
Đồng USD hạ nhiệt sau số liệu tích cực về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 của Mỹ. Thị trường chứng khoán Mỹ đã thiết lập mức cao mới, lần đầu tiên chỉ số công nghiệp Dow Jones của Mỹ đóng cửa trên 40.000 điểm.
Đồng thời, nhịp giảm mạnh của giá xăng trong nước (giảm hơn 8% trong vòng 1 tháng) sẽ giúp hạ nhiệt áp lực lạm phát.
Có thể thấy, những diễn biến tích cực trên đã cải thiện tâm lý nhà đầu tư, dòng tiền chảy mạnh vào thị trường chứng khoán đã thúc đẩy các chỉ số chứng khoán tăng điểm.
Gần đây, câu chuyện Việt Nam có thể được Mỹ công nhận là nền kinh tế thị trường vào tháng 7 tới cũng giúp một số cổ phiếu ngành xuất khẩu như thủy sản, dệt may tích cực.
Theo chuyên gia VNDirect, quán tính tăng điểm có thể đưa chỉ số VN-Index hướng tới vùng kháng cự mạnh 1.290-1.300 điểm (vùng đỉnh cũ).
Về trung và dài hạn, trong một báo cáo vừa công bố, Maybank Investment Bank (MSVN) duy trì quan điểm lạc quan về thị trường chứng khoán với kỳ vọng VN Index sẽ lên mức 1.420 điểm trong nửa cuối năm. Theo MSVN, khả năng thị trường Việt Nam được FTSE công nhận là thị trường mới nổi vào tháng 3/2025.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
- Chủ đề:
-
giá vàng
-
tỷ giá
-
cổ phiếu
-
chứng khoán
-
VN-Index