Giá gas tại thị trường thế giới hôm nay tăng 0,70% ở mức 2,31 USD/mmBTU. Ảnh tư liệu |
Giá gas tăng 0,70%
Mở cửa phiên giao dịch sáng 11/5, giá gas tại thị trường thế giới tăng 0,70% ở mức 2,31 USD/mmBTU đối với hợp đồng khí gas tự nhiên giao tháng 6/2024.
Giá khí tự nhiên kỳ hạn của Mỹ tăng khoảng 5% lên mức cao nhất 14 tuần vào thứ Năm (9/5) do lượng dự trữ tăng ít hơn dự kiến, dự báo nhu cầu trong hai tuần tới sẽ nhiều hơn dự kiến trước đó và sản lượng tiếp tục giảm.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, các công ty điện lực đã bổ sung 79 tỷ feet khối (bcf) khí đốt vào kho dự trữ trong tuần kết thúc vào ngày 3/5.
Trên thị trường giao ngay, giá điện và khí đốt của Mỹ giảm xuống mức âm trong tuần này tại Texas, California và Arizona do việc bảo trì đường ống khiến khí đốt bị kẹt ở Tây Texas trong bối cảnh nhu cầu năng lượng thấp và thủy điện dồi dào ở phía Tây.
Mặt khác, theo dự kiến ban đầu, thị trường khí đốt toàn cầu sẽ rơi vào tình trạng dư thừa vào năm 2025 do sự gia tăng đột ngột của các dự án khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) mới. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố trì hoãn tiến độ xây dựng, dự báo này có thể bị lùi đến năm 2026.
Cụ thể, việc xây dựng các nhà máy xuất khẩu LNG mới tại Bờ Vịnh (Mỹ) đang gặp nhiều khó khăn, dẫn đến thời gian hoàn thành dự án bị kéo dài. Dự án Golden Pass LNG của QatarEnergy tại Texas có thể lỡ hẹn khởi công do thiếu hụt nhân công. Trong khi đó, dự án Corpus Christi của Cheniere Energy cũng có nguy cơ chậm trễ. Còn với dự án LNG 2 Bắc Cực ở Nga có thể chỉ hoạt động một phần công suất do lệnh trừng phạt của Mỹ.
Thêm vào đó việc sản lượng khí đốt xuất khẩu của Australia dự kiến giảm trong năm tới cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới việc kéo dài thời điểm dự thừa nguồn cung. Ngoài ra, nhu cầu LNG của châu Âu và châu Á dự kiến tăng trong năm 2025 và những năm tiếp theo cũng sẽ khiến tình trạng dư thừa khí đốt toàn cầu sẽ không thể xảy ra trong năm tới.
Chính việc này sẽ khiến cho nguồn cung thị trường khí đốt sẽ tiếp tục khan hiếm và đẩy giá lên mức cao trong năm 2025. Biến động giá khí đốt cũng sẽ diễn ra thường xuyên dẫn tới an ninh năng lượng toàn cầu có thể bị ảnh hưởng.
Giá dầu WTI giảm 1,34% xuống 78,2 USD/thùng
Giá dầu thô đã giảm hơn 1% trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (10/5) vì bình luận từ những quan chức ngân hàng trung ương Mỹ cho thấy lãi suất sẽ duy trì ở mức cao trong thời gian dài hơn, điều có thể cản trở nhu cầu nhà tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới.
Chốt phiên giao dịch cuối tuần, giá dầu thô Brent giảm 1,31% xuống 82,78 USD và giá dầu WTI của Mỹ giảm 1,34% xuống 78,2 USD/thùng.
Trong tuần, dầu Brent giảm 0,2%, trong khi dầu WTI tăng 0,2%.
Giá dầu cũng chịu áp lực từ lượng nhiên liệu tồn kho ngày càng tăng của Mỹ trong bối cảnh quốc gia này đang tiến gần đến mùa lái xe sôi động trong mùa hè, ôngJim Ritterbusch của Ritterbusch and Associates cho biết.
“Với sự sụt giảm về giá trong tháng qua và xu hướng nhu cầu yếu hơn dự kiến đối với xăng và dầu diesel của Mỹ, một số điều chỉnh giảm về nhu cầu có thể xuất hiện”, ông Ritterbusch nói thêm.
Tuần tới, thị trường chờ đợi dữ liệu lạm phát của Mỹ, yếu tố có thể ảnh hưởng đến quyết định của Fed về lãi suất.
Thị trường dầu nhận được ít sự hỗ trợ từ số lượng giàn khoan dầu của Mỹ, vốn là một chỉ số về nguồn cung trong tương lai, khi số lượng giàn khoan dầu giảm 3 giàn xuống 496 trong tuần này, mức thấp nhất kể từ tháng 11./.