Cổ phiếu cần quan tâm ngày 6/5

(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 6/5 của các công ty chứng khoán.

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu ANV

CTCK Vietcombank (VCBS)

Trong năm 2023, tổng doanh thu thuần của CTCP Nam Việt (ANV – sàn HOSE) đạt 4.439 tỷ đồng (giảm 9%), trong đó doanh thu mảng cá tra đạt 4.316 tỷ đồng (giảm 9%), mảng điện mặt trời đạt 106 tỷ đồng (giảm 1% ), doanh thu các mảng khác đạt 17 tỷ đồng (giảm 74%). Biên lợi nhuận gộp của mảng cá tra đạt 9% (giảm 29%), mảng điện mặt trời giảm 11% về mức 79%.

Cơ cấu doanh thu của ANV vẫn tập trung nhiều hơn vào thị trường Trung Quốc & Hong Kong do nền kinh tế sau khi mở cửa trở lại có nhu cầu cao dồn nén trong thời gian dài. Tỷ trọng doanh thu tại thị trường Mỹ tăng nhẹ 4% , cho thấy quá trình quay lại thị Mỹ của ANV vẫn diễn ra thuận lợi.

Tiếp đà tăng trưởng tại Mỹ. Sau khi ghi nhận kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 8 triệu USD (tăng 300%) vào Mỹ trong 2023, chúng tôi kỳ vọng ANV sẽ tiếp tục duy trì tăng trưởng tại đây nhờ (1) tiếp tục được hưởng mức thuế chống bán phá giá là 0% (theo POR19); (2) Tồn kho cá tra tại Mỹ có dấu hiệu giảm hỗ trợ giá cá hồi phục, (3) Nguồn cung cá minh thái và Mỹ bị hạn chế.

Doanh số tại Trung Quốc tiếp tục được đẩy mạnh, công ty đang mở rộng tập khách hàng tại Bắc Kinh và Quảng Châu.

Doanh thu nội địa tăng 63%, do ANV đã hợp tác với Bách Hóa Xanh từ tháng 3/2023 để tiếp cận thị trường nội địa.

Trong khi đó, chi phí đầu vào được kỳ vọng giảm nhờ xu hướng giá ngũ cốc tiếp tục đi xuống và dự báo thời tiết chuyển sang ôn hoà hơn trong năm tới.

Mảng C&G của ANV đã bắt đầu có doanh thu ở cuối quý 4/2023. ANV dự định sẽ tiếp tục triển khai giai đoạn 2 và 3 để nâng công suất từ 780 lên 1.200 và 2.400 tấn/ năm. Dự báo, doanh thu thuần và lợi nhuận gộp của mảng C&G sẽ đạt lần lượt là 85 tỷ và 2,5 tỷ đồng trong năm 2024.

Dự phóng năm 2024, ANV sẽ đạt doanh thu thuần 4.999 tỷ đồng, tăng trưởng 12,6%; lợi nhuận sau thuế 219,97 tỷ đồng, tăng trưởng 426% so với năm trước. Chúng tôi khuyến nghị mua cổ phiếu ANV với giá mục tiêu 38.838 đồng/CP.

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu VHC

CTCK Vietcombank (VCBS)

Trong năm 2023, doanh thu thuần của CTCP Vĩnh Hoàn (VHC – sàn HOSE) đạt 10.039 tỷ đồng, giảm 24%. Trong đó, doanh thu mảng chính là cá tra giảm 26%, trừ doanh thu các sản phẩm từ gạo tăng 44%, doanh thu các mảng còn lại giảm từ 6-25%. Lợi nhuận sau thuế năm 2023 của VHC đạt 949,6 tỷ đồng (giảm 52,82%).

Tỷ trọng doanh thu xuất sang thị trường Mỹ trong năm 2023 giảm 11% về mức 30% trên tổng doanh thu, trong khi tỷ trọng doanh thu xuất sang Trung Quốc và châu Âu đều tăng 2%. Như vậy, nhu cầu suy yếu ở thị trường chủ đạo – Mỹ là nguyên nhân khiến kết quả kinh doanh của VHC kém hơn so với năm trước.

Tương tự như ANV, VHC cũng được hưởng lợi từ thị trường Mỹ khi: (1) VHC dự kiến sẽ vẫn được hưởng mức thuế chống bán phá giá 0%; (2) Giá cá tra xuất khẩu sẽ được cải thiện nhờ nhu cầu ở Mỹ sẽ cải thiện hơn trong năm 2024 khi lượng tồn kho bước vào chu kỳ giảm; (3) Biên lợi nhuận sẽ được cải thiện nhờ chi phí nguyên liệu đầu vào cho thức ăn nuôi cá giảm.

Dự báo doanh thu xuất khẩu sang Mỹ năm 2024 của VHC sẽ đạt khoảng 4.010 tỷ đồng (tăng 35%). Doanh thu mảng cá tra của VHC sẽ đạt 7.798 tỷ đồng (tăng 6%).

VHC cũng đã tiến hành mở rộng dây chuyền sản xuất nhà máy C&G trong năm 2023, công suất mảng C&G sẽ tăng 50% sau khi hoàn thành. Dự kiến, mảng C&G sẽ phục vụ chủ yếu cho thị trường châu Âu với mức doanh thu thuần và lợi nhuận gộp cho năm 2024 đạt lần lượt là 1.136 tỷ và 466 tỷ đồng.

Dự phóng năm 2024, VHC sẽ đạt doanh thu thuần 11.245 tỷ đồng, tăng trưởng 12%; lợi nhuận sau thuế 1.504 tỷ đồng, tăng trưởng 58% so với năm trước. Chúng tôi khuyến nghị mua cổ phiếu VHC với giá mục tiêu 86.389 đồng/CP.

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu IDI

CTCK Vietcombank (VCBS)

Trong năm 2023, doanh thu thuần và lợi nhuận gộp của CTCP Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia (IDI – sàn HOSE) đạt lần lượt là 7.221 tỷ đồng (giảm 9%) và 88 tỷ đồng (giảm 84%). Trong đó doanh thu mảng cá tra đạt giảm 19% yoy, mảng phụ phẩm từ cá giảm 2%, mảng thức ăn chăn nuôi và dịch vụ tăng lần lượt là 2% và 3%, mảng bất động sản giảm mạnh 59%.

Tỷ trọng doanh thu vẫn duy trì tương đối ổn định so với năm trước. Tuy nhiên, có sự dịch chuyển nhẹ khoảng 3% sang thị trường Trung Quốc và 2% sang thị trường Hong Kong (Trung Quốc) khi nền kinh tế mở cửa trở lại, nhu cầu dồn nén nhiều từ năm cũ.

Dự kiến nhà máy chế biến cá tra fillet số 3 của IDI sẽ được hoàn thiện trong quý III/2024, nâng tổng công suất chế biến cá tra fillet thêm 400 tấn nguyên liệu/12 giờ/ ngày. VCBS dự báo tổng sản lượng xuất khẩu của IDI dự kiến sẽ đạt khoảng 64 nghìn tấn (tăng 42%) trong năm 2024.

Theo dự thảo POR19 của Bộ thương mại Mỹ, IDI sẽ được hưởng mức thuế chống bán phá giá mới là 0,14 USD/kg (giảm 94%). Điều này sẽ làm tăng lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm cá tra xuất khẩu của doanh nghiệp. Theo dự phóng của chúng tôi, doanh thu xuất khẩu cá tra của IDI trong năm 2024 sẽ đạt khoảng 3.263 tỷ đồng (tăng 13%).

Bên cạnh đó, IDI cũng đã lên kế hoạch để nâng khả năng tự chủ từ 85% lên 90% thông qua việc: (1) Nâng công suất nhà máy bột cá lên 600 tấn nguyên liệu/ngày; (2) Mở rộng vùng nuôi liên kết thêm 450 ha để chuẩn bị nguồn nguyên liệu khi nhà máy số 3 hoàn thiện. Nhờ tự chủ được nguồn nguyên liệu và kiểm soát chất lượng nuôi trồng thủy sản tốt hơn, dự kiến IDI sẽ cắt giảm được chi phí, nâng biên lợi nhuận thêm khoảng 4% cho mảng cá tra trong năm 2024.

Dự phóng năm 2024, IDI sẽ đạt doanh thu thuần 8.140 tỷ đồng, tăng trưởng 13%; lợi nhuận sau thuế 171 tỷ đồng, tăng trưởng 94% so với năm trước. Chúng tôi khuyến nghị mua cổ phiếu IDI với giá mục tiêu 15.464 đồng/CP.

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu VPB

CTCK Vietcap (VCSC)

ĐHCĐ Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPB – sàn HOSE) đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2024 bao gồm tăng trưởng tín dụng đạt 25% (con số tăng trưởng cuối cùng phụ thuộc vào quyết định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về việc phân bổ hạn mức bổ sung), tăng trưởng huy động vốn (bao gồm tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá) ở mức 22%, nợ xấu trên vay nợ tín dụng (các khoản vay gộp cộng với trái phiếu doanh nghiệp) được giữ ở mức dưới 3%, và lợi nhuận trước thuế là 23,2 nghìn tỷ đồng (tăng 114% so với năm trước) so với dự báo của chúng tôi là 16,8 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 53%). Hạn mức tín dụng hiện tại của VPB là hơn 15%.

VPB đề xuất (1) chia cổ tức tiền mặt ở mức 1.000 đồng/CP (tương đương lợi suất cổ tức ở mức 5%) vào quý II – III/2024 và (2) phát hành 30 triệu cổ phiếu ESOP với giá 10.000 đồng/CP (0,4% cổ phiếu đang lưu hành). Ban lãnh đạo dự báo chia cổ tức tiền mặt ổn định trong giai đoạn 2022-2027 với tỷ lệ chi trả tối thiểu là 30%.

VPB đề xuất phát hành 400 triệu USD trái phiếu quốc tế kỳ hạn 5 năm trong giai đoạn 2024 – quý I/2025 (trái phiếu liên kết không chuyển đổi, không đảm bảo và không liên kết chứng quyền). Số tiền thu được sẽ được sử dụng để tài trợ cho các dự án xanh/ESG.

Mặc dù FEC ghi nhận lỗ gần 1 nghìn tỷ trong quý 1/2024, VPB vẫn tự tin vào việc xoay chuyển tình hình của FEC trong nửa cuối năm 2024 nhằm đạt được lợi nhuận trước thuế kế hoạch cho năm 2024 là 1,2 nghìn tỷ đồng nhờ việc cải thiện NIM và nhu cầu tín dụng. Ngân hàng cho rằng chi phí huy động vốn của FEC đã giảm xuống 6-7% so với 9-11% trước năm 2022. Ban lãnh đạo dự báo lợi nhuận trước thuế của FEC có thể đạt khoảng 3 – 4 nghìn tỷ đồng từ năm 2025 trở đi.

Với quy định bancassurance thắt chặt hiện tại và nhu cầu mua bảo hiểm cải thiện chậm, VPB không kỳ vọng ghi nhận tăng trưởng đối với doanh thu mảng bancassurance cho bảo hiểm nhân thọ.

2 thành viên HĐQT mới là ông Takeshi Kimoto (từ Tập đoàn Ngân hàng Sumitomo Mitsui (SMBC)) và bà Phạm Thị Nhung (Phó Tổng Giám Đốc đại diện cho nhóm cổ đông sở hữu 19,72% cổ phần của VPB).

Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua đối với VPB với giá mục tiêu là 24.000 đồng/CP.

TIN BÀI LIÊN QUAN

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *